Tại hội nghị tổng kết chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 (do UBND tỉnh tổ chức, ngày 5-4), Quảng Ninh phấn khởi đã giảm hộ nghèo được từ 7,68% (23.050 hộ) xuống còn 1,33% (4.460 hộ), tương đương với 18.590 hộ đã thoát nghèo. Đây là con số ấn tượng, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác giảm nghèo trong 5 năm vừa qua…
Để có được kết quả này, phải khẳng định rằng, trong những năm vừa qua, cùng với các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quảng Ninh cũng đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách đối với công tác giảm nghèo phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương và được triển khai đồng bộ trong các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh với sự lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, nguồn kinh phí. Điển hình phải kể đến là triển khai có kết quả 12 chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 119 ngàn lượt hộ khách hàng vay phát triển sản xuất, cải thiện đời sống với số tiền giải ngân trên 2.390 tỷ đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với số tiền trên 20 tỷ đồng cho hơn 213 ngàn lượt người thuộc diện hộ nghèo. Cùng với đó, Quỹ "Vì người nghèo" của tỉnh cũng đã huy động được trên 25 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ nghèo về nhà ở, phát triển kinh tế gia đình, khám chữa bệnh… Chỉ tính riêng nguồn lực từ ngân sách tỉnh chi cho công tác giảm nghèo giai đoạn này đã là trên 814 tỷ đồng…
Nhờ đó, bộ mặt các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến, cải thiện đáng kể. Đặc biệt là về hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, giao thông. Qua đó, người nghèo đã được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các chính sách của nhà nước; đời sống nhanh chóng được cải thiện, nâng cao; an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo; trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững…
Tuy nhiên, nếu căn cứ theo tiêu chí chuẩn nghèo mới (chuẩn nghèo đa chiều, áp dụng trong giai đoạn 2016-2020), thì hiện tại Quảng Ninh còn tới 15.340 hộ nghèo (chiếm 4,56% tổng số hộ của toàn tỉnh) và 10.586 hộ cận nghèo (chiếm 3,15%). Trong khi đó mục tiêu của tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong giai đoạn này từ 4,56% năm 2016 xuống còn dưới 1,06% vào năm 2020. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh trong công tác giảm nghèo. Không những thế, tỉnh còn đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, xem xét đề xuất nâng chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn chuẩn nghèo của Chính phủ quy định, nhằm nâng cao mặt bằng mức sống của người dân. Do vậy khó khăn, thách thức sẽ còn cao hơn nữa…
Như vậy, để duy trì kết quả giảm nghèo trong giai đoạn vừa qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới với các tiêu chí và yêu cầu cao hơn, Quảng Ninh cần phải nỗ lực, sáng tạo, đổi mới rất nhiều trong triển khai các giải pháp giảm nghèo bền vững thời gian tới. Cụ thể là tập trung đầu tư, hỗ trợ cho những vùng, địa bàn, nhóm dân cư khó khăn, trong đó đặc biệt ưu tiên cho 22 xã trong diện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Cùng với đó là bố trí, lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện chương trình, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; huy động sự tham gia mạnh mẽ của người dân và toàn xã hội; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước… Làm tốt điều này, chắc chắn Quảng Ninh sẽ tiếp tục là điểm sáng của cả nước về công tác giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020…
Thanh Tùng