Hiện nay, Quảng Ninh đang từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống dân sinh.
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, sở hữu di sản thiên nhiên và kỳ quan thế giới mới Vịnh Hạ Long, có tiềm năng nổi trội về phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế biển. Để phát huy giá trị di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới, việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đều lấy việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long làm trung tâm của sự phát triển và tuân thủ theo định hướng của một nền kinh tế xanh.
Cũng như các ngành kinh tế khác, các yếu tố đầu vào của ngành du lịch như vốn, nhân lực, đất đai, các tài nguyên du lịch… không phải là vô hạn. Do đó, để tăng thu từ du lịch cần có các giải pháp khai thác, kết hợp với các yếu tố đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ từ các nguồn lực hữu hạn. Tuy nhiên, việc bảo tồn di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long hiện nay đang gặp phải một số vấn đề khó khăn như lượng khách tăng đột biến trong mùa cao điểm, trong các dịp nghỉ lễ dài ngày; lượng du khách tập trung quá đông tại một số điểm tham quan nhất định… Điều này đã tạo ra áp lực lớn từ chất lượng dịch vụ đến công tác bảo vệ môi trường, môi sinh của các điểm du lịch. Bên cạnh đó, khách đến du lịch tại Quảng Ninh tuy có sự tăng trưởng nhưng số ngày lưu trú lại thấp, khách chi tiêu ít, dẫn đến doanh thu không cao. Mặc dù địa phương đang sở hữu một số điểm du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới nhưng lợi nhuận thu được từ du lịch vẫn còn khiêm tốn.
Để khắc phục điều này cần sự chung tay, góp sức của chính quyền, doanh nghiệp và cả cộng đồng dân cư. Theo đó, ngành Du lịch đã và đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thêm các hoạt động, đang chuyển trọng tâm từ thu hút số lượng du khách sang thu hút du khách có mức chi tiêu nhiều. Hay nói cách khác, ngành Du lịch tỉnh đang cố gắng khiến du khách chi tiêu nhiều hơn thay vì cố gắng thu hút quá nhiều lượng khách du lịch mà có thể lượng du khách này lại không mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Do vậy một mục tiêu đề ra đối với ngành Du lịch tỉnh là tập trung nhiều hơn vào thị trường khách du lịch tự do, đi theo gia đình hoặc nhóm du lịch (không đi theo tour), bởi những du khách này thường chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn và thích khám phá, cảm nhận sâu hơn về những điểm đến du lịch. Việc tăng sự trải nghiệm của du khách đồng nghĩa với việc tăng thêm chi tiêu của du khách.
Ngoài ra, việc tập trung nguồn lực để khắc phục tính thời vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch Quảng Ninh. Hiện nay, các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch đã được tỉnh xây dựng các tour, tuyến để đưa vào khai thác nhằm phân tán khách du lịch đều khắp các điểm. Bên cạnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thì các điểm đến như khu di tích danh thắng Yên Tử, khu du lịch biển Cô Tô, Vân Đồn... đã được khai thác và phát huy giá trị, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Từ đó giúp du khách tìm hiểu sâu, nhiều hơn về Quảng Ninh và góp phần quan trọng trong việc giảm tải cho Vịnh Hạ Long. Hiện nay, tỉnh đang cố gắng xác định và tận dụng tất cả các cơ hội để thu hút du khách đến du lịch Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng vào mùa thấp điểm, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch “không mùa” tại Quảng Ninh.
Lê Hải