Từ ngày 1-7 tới đây, khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ban hành năm 2015 có hiệu lực thi hành, thì các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) sẽ được xem xét, xử lý dưới góc độ hình sự. Trong đó mức xử phạt có thể lên tới 20 năm tù giam đối với trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng. Đây là một trong những điểm rất mới được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, thay vì cho các hình thức xử lý trước đây chỉ dừng ở việc xử phạt vi phạm hành chính…
Theo quy định mới (tại Điều 317, Bộ luật Hình sự), chế tài xử phạt người có hành vi vi phạm quy định về VSATTP, người có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm, có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Đối với những trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết tăng nặng, mức phạt có thể lên tới 20 năm tù giam. Đây là khung hình phạt tối đa cho hành vi vi phạm quy định về VSATTP. Những giải pháp mạnh này được dư luận xã hội, người tiêu dùng hết sức đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng đây sẽ là “chiếc gậy” hữu hiệu để tuyên chiến, ngăn chặn các loại thực phẩm “bẩn” trên thị trường - một vấn nạn gây bức xúc trong nhân dân từ nhiều năm nay…
Các loại thực phẩm “bẩn” - sử dụng chất cấm, độc hại cho sức khoẻ con người trong bảo quản, chế biến, sản xuất thực phẩm, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hôi thối, quá hạn sử dụng… có lẽ chưa bao giờ tồn tại, xuất hiện trên thị trường nhiều và phổ biến như hiện nay. Đây là hệ lụy từ mặt trái của cơ chế thị trường khi người sản xuất, chế biến, kinh doanh vô lương tâm, làm ăn theo kiểu chộp giật, chạy theo lợi nhuận thuần tuý trước mắt, bất chấp sức khoẻ, tính mạng của người sử dụng. Điều này cũng lý giải vì sao thời gian qua tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư tăng cao hơn so với trước, cùng với việc xuất hiện nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác…
Sở dĩ thời gian qua thực phẩm “bẩn” lộng hành trên thị trường có một phần nguyên nhân thuộc về các cơ quan quản lý, lực lượng đấu tranh còn thiếu các biện pháp đồng bộ, chưa quyết liệt phòng chống, ngăn chặn, thậm chí còn có những kẽ hở trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng là các chế tài xử lý, xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về VSATTP quá nhẹ, không đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính, thu giữ phương tiện, tiêu huỷ sản phẩm, tang vật vi phạm. Do đó các đối tượng sản xuất, buôn bán, kinh doanh, chế biến thực phẩm “bẩn” dường như “nhờn” với cách thức xử lý của các cơ quan, ngành chức năng…
Với việc xác định các hành vi vi phạm quy định về VSATTP thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự và người vi phạm có thể bị phạt tù giam tới 20 năm, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, đột phá trong cuộc chiến chống lại vấn nạn thực phẩm “bẩn” hiện nay. Và để các quy định này của pháp luật sớm đi vào cuộc sống, nhanh chóng phát huy hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục trong nhân dân, đặc biệt là trong các đối tượng có liên quan đến thực phẩm phải được tăng cường, đẩy mạnh. Các ngành chức năng chú trọng, thường xuyên kiểm tra, giám sát thực phẩm trên thị trường để kịp thời phát hiện sai phạm. Cùng với đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khẩn trương điều tra, đưa ra xét xử một số vụ án điểm với mức án nghiêm khắc để tăng cường tính giáo dục, răn đe, qua đó làm bài học cho những ai còn có ý định hoặc cố tình vi phạm quy định về VSATTP…
Thanh Tùng