21
8
Quốc tế/
/quoc-te
3357726
1502794
Đức ra tối hậu thư về việc thực hiện lệnh ngừng bắn và phản ứng của Điện Kremlin
duc-ra-toi-hau-thu-ve-viec-thuc-hien-lenh-ngung-ban-va-phan-ung-cua-dien-kremlin
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Đức ra tối hậu thư về việc thực hiện lệnh ngừng bắn và phản ứng của Điện Kremlin

Đức đã đưa ra thời hạn đến hết ngày 12/5 để Liên bang Nga đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn tại Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng nếu Moskva (Moscow) không làm vậy, Berlin sẽ bắt đầu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới.

Đức đã đưa ra thời hạn đến hết ngày 12/5 để Liên bang Nga đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn tại Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng nếu Moskva (Moscow) không làm vậy, Berlin sẽ bắt đầu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz tại Kiev ngày 10/5/2025. Ảnh: Volodymyr Zelensky/X

Theo báo The Kyiv Independent, phát biểu nêu trên là của người phát ngôn Chính phủ Đức Stefan Kornelius đưa ra trong một cuộc họp báo và được đài Tagesschau đưa tin ngày 12/5.

“Đồng hồ đang đếm ngược - chúng ta còn 12 tiếng cho đến khi ngày hôm nay kết thúc”, người phát ngôn Chính phủ Đức nói và cho biết thêm rằng Berlin đang phối hợp với các đối tác châu Âu về các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Báo The Kyiv Independent cho biết tối hậu thư này được đưa ra sau khi Liên bang Nga từ chối đề xuất ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày bắt đầu từ ngày 12/5 – một đề xuất được Ukraine và các đồng minh đưa ra vào ngày 10/5 trong chuyến thăm Kiev của các lãnh đạo châu Âu.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, yêu cầu về lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày là kết quả chính của cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Ukraine, Pháp, Anh, Đức và Ba Lan.

Về phần mình, Moskva đã có phản ứng. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng ngôn ngữ mang tính tối hậu thư là “không thể chấp nhận được” khi đàm phán với Liên bang Nga.

“Kiểu ngôn ngữ tối hậu thư này là không thể chấp nhận được đối với Liên bang Nga. Nó không phù hợp. Không ai có thể nói chuyện với Liên bang Nga bằng ngôn ngữ đó”, ông Peskov phát biểu với nhóm phóng viên nước này vào ngày 12/5.

Theo The Kyiv Independent, Điện Kremlin vẫn kiên quyết yêu cầu đàm phán mà không có điều kiện ngừng bắn vô điều kiện.

Kênh RT của Liên bang cho biết thêm trong một cuộc họp báo vào ngày 11/5 đánh dấu kết thúc các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Moskva, Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin đã kêu gọi Ukraine tham gia các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) bắt đầu từ ngày 15/5.

“Chúng tôi đề xuất chính quyền Kiev nối lại các cuộc đàm phán đã gián đoạn vào năm 2022 - nối lại đàm phán trực tiếp, và tôi nhấn mạnh, không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đề xuất bắt đầu ngay vào thứ Năm tới, ngày 15/5, tại Istanbul”, ông Putin nói, đồng thời cho biết tiến trình giải quyết xung đột phải bắt đầu bằng đàm phán, điều có thể dẫn đến “một hình thức đình chiến mới và một lệnh ngừng bắn mới”.

“Chúng tôi nghiêm túc trong việc đàm phán với Ukraine. Mục tiêu là loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột và đạt được một nền hòa bình bền vững trong dài hạn mang tính lịch sử”, nhà lãnh đạo Liên bang Nga nhấn mạnh.

Theo cố vấn Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov, Moskva mong muốn các cuộc đàm phán dựa trên các điều khoản đã thảo luận tại Istanbul năm 2022 và tình hình thực địa hiện tại.

Về phần mình, cũng trong ngày 11/5, theo RT, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Liên bang Nga và Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky đã tuyên bố sẵn sàng gặp mặt trực tiếp Tổng thống Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5, đồng thời tái khẳng định đề xuất của Ukraine về lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện bắt đầu từ ngày 12/5.

Tuy nhiên, phía Điện Kremlin chưa có phản hồi chính thức nào về lời đề nghị gặp mặt này từ phía Ukraine.

Cùng chuyên mục