Quảng Ninh là tỉnh có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành du lịch, mang lại những giá trị lớn về mặt kinh tế và xã hội. Mặc dù hiện tại số lượng du khách và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng qua từng năm, tuy nhiên sự phát triển này theo đánh giá vẫn chưa tương xứng với những lợi thế của tỉnh. Và đây dường như cũng là tình trạng chung của du lịch ở nhiều địa phương trong cả nước.
Theo các chuyên gia, nhà phân tích, sở dĩ du lịch của Việt Nam phát triển còn hạn chế, chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì bên cạnh nhiều yếu tố khác còn do nhiều doanh nghiệp, địa phương thiếu các mô hình du lịch thông minh để đón đầu xu hướng phát triển bền vững. Thực tế hiện nay, thị trường du lịch Việt Nam đang có nhiều thay đổi do sự phát triển của công nghệ, nhất là du lịch trực tuyến. Du lịch thông minh tại Việt Nam đang phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thông tin kết hợp với du lịch truyền thống; với sự tích hợp dữ liệu từ 3 nền tảng là đơn vị quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách.
Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và con số này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Trong đó, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của du lịch trực tuyến lên tới 50%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử.
Một khảo sát với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 cho thấy, có tới 71% du khách tham khảo thông tin điểm đến trên Internet; 64% đặt chỗ và mua dịch vụ trực tuyến trong chuyến đi đến Việt Nam. Và với sự phát triển chung của thương mại điện tử và du lịch, dự báo các tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Thực tế hiện nay cho thấy, đặt dịch vụ du lịch trực tuyến đang là xu hướng của giới trẻ, theo thống kê có đến 70% người trẻ dùng Internet dưới 35 tuổi và đây cũng là đối tượng thường xuyên sử dụng smartphone. Những người này sẽ là đối tượng sử dụng dịch vụ du lịch trực tuyến tiềm năng trong thời gian tới. Đón đầu xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đặt phòng trực tuyến...
Mặc dù có rất nhiều tiện ích, mang lại thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng trên thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin cho dịch vụ du lịch trực tuyến vẫn chưa phát triển một cách bài bản, đúng nghĩa mà là mạnh ai người ấy làm.
Theo một cán bộ của Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, thực tế ngành du lịch đã triển khai ứng dụng thông minh nhưng với các mức độ khác nhau. Và mới dừng ở mức ứng dụng ban đầu, chưa đủ lớn để tạo ra tích hợp, ứng dụng thông minh. Trong khi đó hiện nay, khách du lịch trong nước và quốc tế mua bán, thanh toán và phản hồi qua môi trường số ngày càng tăng.
Có thể nói du lịch trực tuyến đang được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Theo cơ quan chuyên môn, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 12,9 triệu lượt, tăng gần 30% so với năm 2016, trong đó gần 90% tra cứu thông tin du lịch qua Internet.
Với những ưu thế đó, để không bị thua ngay trên “sân nhà”, các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng cần nâng cao nhận thức, chủ động nắm bắt, tích cực áp dụng mô hình du lịch thông minh vào hoạt động kinh doanh. Và để tăng cường thêm tiềm lực và sức mạnh, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, khách sạn trên “sân chơi” trực tuyến. Có như vậy mới đạt được hiệu quả kinh tế cao và du lịch mới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển tương xứng với các tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương...
Thanh Tùng