Theo báo cáo của UBND huyện Cô Tô, năm 2017, khách du lịch đến Cô Tô đạt 320.000 khách, tăng 6,7% so với năm 2016. Đặc biệt trong đó có 2.200 khách quốc tế, tăng 225% so với năm 2016.
Để du lịch huyện đảo Cô Tô, du khách đi tàu từ cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Việc tăng cao có tính chất đột biến số lượng khách quốc tế đến với Cô Tô cho thấy sức hấp dẫn của biển đảo Vân Đồn - Cô Tô của Quảng Ninh.
Một trong những lý do để khách du lịch quốc tế tới Cô Tô tăng đột biến là do chúng ta chủ động tháo gỡ thủ tục đối với du khách nước ngoài.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cô Tô đã có Chương trình hành động số 15-CTr/HU ngày 23/10/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, đến năm 2020, ngành du lịch, dịch vụ của Cô Tô cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Chất lượng dịch vụ du lịch có tính chuyên nghiệp cao. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại. Sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, tạo dựng thương hiệu du lịch mang đậm bản sắc độc đáo riêng của Cô Tô trong bản sắc văn hoá, miền đất, con người Quảng Ninh nói chung. Cô Tô sẽ trở thành trọng điểm du lịch biển đảo của tỉnh và cả nước, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 4.000 - 4.500 USD (hiện tại đang là 2.500 USD). Và đến năm 2030, ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ đạo của huyện Cô Tô, là nền tảng để thực hiện tăng trưởng và phát triển bền vững.
Cô Tô đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, khách du lịch 400.000 lượt, trong đó khách quốc tế 10.500 lượt; đến năm 2030, khách du lịch 650.000 lượt, trong đó khách quốc tế 55.000 lượt.
Năm 2018, huyện Cô Tô có kế hoạch đón 330.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 3.500 lượt. Đồng thời huyện đã đưa ra hạn mức không đón quá 5.000 du khách/ngày. Theo đồng chí Lê Hồng Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, việc đưa ra hạn ngạch này là dựa trên nhiều tiêu chí, nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là đảm bảo an toàn cho du khách. Như vậy là Cô Tô đã phát triển du lịch theo hướng chất lượng, bền vững nhằm tăng trưởng theo chất lượng, không chạy theo số lượng dẫn tới không kiểm soát được.
Nhu cầu du khách tham quan biển đảo Quảng Ninh, nhất là đến với Cô Tô ngày một tăng, cả khách trong nước và quốc tế. Sức ép này đòi hỏi Cô Tô phải có sức vươn để đáp ứng nhu cầu này, và rồi hạn mức không chỉ dừng ở 5.000 du khách/ngày mà phải đáp ứng nhiều hơn.
Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2018 do tỉnh Quảng Ninh đăng cai, cùng với nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, đầu tư cơ sở vật chất, Cô Tô sẽ tổ chức Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch lần thứ 3 với quy mô cao hơn cùng nhiều hoạt động đặc sắc. Huyện sẽ huy động nguồn lực xây dựng từ 1 đến 2 bãi tắm du lịch (Vàn Chảy, Tình Yêu); xây dựng và ban hành quy chế, quy định kinh doanh tạm thời tại một số điểm du lịch, hoạt động câu cá, câu mực, nặn biển...
Du lịch trên đảo Cô Tô sẽ có cơ hội phát triển mạnh cùng với cơ hội Đặc khu Vân Đồn. Tới đây, khi đường cao tốc từ Hà Nội thẳng tới Vân Đồn và vận hành sân bay quốc tế Vân Đồn thì nhu cầu tới Cô Tô của du khách trong, ngoài nước sẽ rất lớn. Sự chủ động của Quảng Ninh trong đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất để phát triển du lịch ở Cô Tô sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư kinh doanh du lịch ở Cô Tô.
Nguyên Đan