Lịch sử đã chứng minh vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự phát triển của đất nước ta, đặc biệt là những giai đoạn đất nước cam go, khó khăn nhất như sau khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945.
Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển là mục tiêu của Chính phủ, các bộ, ngành nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Thời gian qua, nhất là những ngày đầu tháng 10 này, Chính phủ đã có một loạt chỉ đạo các bộ, ngành có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Cụ thể, tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành ngày 3/10/2017, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính, đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Mới nhất, ngày 11/10, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, 13 bộ, ngành đã cùng ngồi với nhau tại một hội nghị tổ chức ở Vĩnh Phúc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến vấn đề kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu. Bộ Xây dựng cũng đã đơn giản hoá 22 thủ tục hành chiến liên quan đến xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản… Trước đó, dư luận cũng đã chú ý tới việc Bộ Công Thương đã cắt giảm, đơn giản hoá 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ này.
Chính phủ kiến tạo, đồng hành, doanh nghiệp sáng tạo, phát triển là thông điệp và cũng là sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ trong những năm qua. Nhiều hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nhiều nghị quyết, chương trình hành động đã được ban hành. Tiêu biểu là ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đây là nghị quyết toàn diện, có tầm nhìn dài hạn, mang tính chất đột phá về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Đối với Quảng Ninh, những năm qua, các sở, ngành, địa phương cũng đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vận động cá nhân kinh doanh thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài những hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp hàng tháng do tỉnh tổ chức thì các sở, ngành, địa phương cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như hỗ trợ hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, cung cấp thông tin… Mô hình “Cà phê doanh nhân” được tổ chức gần 3 năm qua đã góp phần gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh phát triển.
Tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh. Minh chứng là những năm gần đây, Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Quảng Ninh cũng được Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố thực sự vào cuộc tích cực, đi đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ.
Theo mục tiêu phấn đấu của tỉnh, đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 22.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 300 doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn mới, đòi hỏi tỉnh phải không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng hành và cùng doanh nghiệp phát triển.
Trần Minh