Ngày 5-9 tới đây, các trường học trên phạm vi cả nước sẽ đồng loạt tổ chức khai giảng năm học 2016-2017. Đây là năm học thứ 4 ngành GD&ĐT cả nước tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 (khoá XI).
Năm học 2015-2016, cùng với cả nước, ngành GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học. Quá trình đổi mới GD&ĐT, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, rào cản. Vì thế, tại hội nghị của Bộ GD&ĐT triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: Việc đổi mới trong ngành Giáo dục là tất yếu, nhưng phải có lộ trình, công khai và phù hợp với tình hình đất nước.
Ở Quảng Ninh, có thể thấy rõ điều này qua việc triển khai mô hình Trường học mới (gọi tắt VNEN). Mô hình này hướng tới việc đáp ứng các yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, học sinh được học theo tốc độ phù hợp với trình độ nhận thức của cá nhân, phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tập thể, học tập theo nhóm. Mô hình này được thí điểm ở tỉnh từ năm học 2012-2013, đến năm học 2016-2017 toàn tỉnh có 66 trường tiểu học, 7 trường THCS áp dụng. Theo ý kiến của các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy theo mô hình này trong buổi lãnh đạo tỉnh làm việc với ngành GD&ĐT tỉnh mới đây thì ưu điểm của VNEN là học sinh chủ yếu tiếp thu kiến thức thông qua tự học và thảo luận nhóm. Phương thức này khác hoàn toàn với cách học truyền thống là giáo viên giảng giải kiến thức có sẵn, nêu câu hỏi cho các em trả lời. Thông qua hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể tự tìm hiểu kiến thức và tự hình thành kỹ năng, thái độ thích hợp. Từ đó, vai trò chủ thể tích cực của học sinh được phát huy cao độ, các em không còn thụ động nghe giáo viên giảng bài.
Thế nhưng quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều bất cập do sách giáo khoa dành cho mô hình này không phù hợp, lớp học không đảm bảo về cơ sở vật chất, còn sĩ số thì quá đông. Giáo viên được đào tạo theo chương trình dạy phổ thông khi tham gia giảng dạy theo mô hình VNEN rất bỡ ngỡ, thiếu kỹ năng, phương pháp. Bất cập nữa là, tuy học theo mô hình VNEN nhưng học sinh thi vẫn theo chương trình giáo dục đại trà.
Trước những bất cập, khó khăn nêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ quyết định thống nhất với đề xuất của ngành GD&ĐT tỉnh là chưa mở rộng mô hình VNEN trong năm học 2016-2017; tiếp tục nghiên cứu đánh giá, tổng kết những mặt được, chưa được, ý kiến của học sinh, phụ huynh, đội ngũ giáo viên về mô hình đào tạo này. Đồng chí nhấn mạnh: Đổi mới GD&ĐT là nhiệm vụ trọng tâm và cần tập trung thực hiện, việc đưa vào thí điểm các mô hình đào tạo mới nhằm đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, cần phải có lộ trình và phương thức quản lý, nếu vội vàng nhân rộng khi chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, tâm lý, chưa có sự đánh giá thấu đáo sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Chí Linh