Dịch COVID-19 đang tiếp tục gây ra ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nằm trong những doanh nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất.
Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó do dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để các gói hỗ trợ này thực sự phát huy được hiệu quả rất cần có những hướng dẫn cụ thể và linh hoạt trong triển khai.
Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hà Lan có khoảng 350 đầu xe. Hiện mỗi ngày, doanh nghiệp này có trên 200 xe phải nằm ở bãi. Số còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì tuyến vì không có khách.
Tuy nhiên, để giữ chân lao động, mỗi tháng doanh nghiệp này vẫn phải chi hàng tỷ đồng tiền lương, bảo hiểm xã hội cho khoảng 700 nhân viên, lái, phụ xe. Đây là lý do doanh nghiệp rất trông đợi ở những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng của dịch bệnh được đưa ra, nhất là chính sách giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ ngân hàng, nhưng thực tế triển khai lại không được như mong đợi

"Các cơ quan có thẩm quyền khi ban hành các thông tư phải cụ thể hơn nữa. Thứ hai là phải theo hướng giảm bớt các điều kiện thực hiện chính sách đó, bởi nếu cứ chung chung như hiện nay thì về phía các cơ quan thực hiện lại đưa ra các điều kiện ngặt nghèo, các doanh nghiệp cũng không thực hiện được", ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhận định.
Sau 4 lần dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp vận tải gần như đã kiệt sức. Thêm vào đó, áp lực trả nợ ngân hàng sau 2 năm liên tiếp doanh thu sụt giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh thực sự là gánh nặng cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc là điều các doanh nghiệp vận tải thực sự trông đợi để có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động vận tải.