Một trong những loại hình du lịch homestay ở Cô Tô thời gian qua được du khách đặc biệt yêu thích đó là nghỉ đêm trên các “lều du lịch” được dựng ngay tại bãi biển. Được hòa mình vào với thiên nhiên, trong vi vu của hàng phi lao và tiếng sóng biển ì oạp vỗ bờ đã khiến nhiều du khách mê đắm với Cô Tô hơn, muốn được quay trở lại với vùng biển xanh, cát trắng nắng vàng này nhiều hơn.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sự xuất hiện của khoảng 225 “lều du lịch” đã tạo nên áp lực quá lớn đối với bờ biển vốn hoang sơ, đẹp đẽ này. Nước thải, rác thải chưa được qua xử lý, rừng phòng hộ bị xâm lấn, ý thức giữ gìn, ứng xử với cảnh quan thiên nhiên chưa thật tốt của một bộ phận du khách đã tạo nên khung cảnh hỗn độn, lộn xộn và nhếch nhác ở nơi được coi là tinh khiết trong các bãi biển Việt Nam.
Theo anh Vũ Thanh Minh, một trong những người đầu tiên khai mở hình thức kinh doanh du lịch homestay tại bãi biển Hồng Vàn (Cô Tô) và cũng là người tiên phong đưa ra ý tưởng dẹp bỏ các “lều du lịch” này thì, các “lều du lịch” đã không còn phù hợp với môi trường, mức độ an toàn chưa đủ cao, lấn chiếm bãi biển, không gian chung dành cho mọi thượng đế đến với Cô Tô vì vậy phải trả nó về với vẻ đẹp hoang sơ vốn có, với sự trong mát, thanh khiết của vùng biển trời Cô Tô.
Qua kiểm tra, rà soát của huyện Cô Tô và Tiểu đoàn Bộ đội đảo Cô Tô (thuộc Lữ đoàn 242), tổng diện tích bãi biển Hồng Vàn bị các hộ dân lấn chiếm là hơn 430.000m2, có 37 hộ dân địa phương đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng các “lều du lịch” để kinh doanh, trong đó có 29 hộ xây trên đất quốc phòng, 8 hộ xây trái phép trên đất nhà nước. Để xử lý tình trạng lấn chiếm xây dựng trái quy định, gây ảnh hưởng tới môi trường, tháng 4/2017 huyện Cô Tô đã thông báo cấm yêu cầu các hộ dân trước 30/9 phải dẹp bỏ toàn bộ các “lều du lịch” này.
Mới đây nhất, trong chuyến kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại huyện Cô Tô, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu huyện Cô Tô và Tiểu đoàn Bộ đội đảo Cô Tô (thuộc Lữ đoàn 242), cần có giải pháp quyết liệt, kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm đất xây dựng trái phép trước ngày 30/9, đặc biệt đây là đất quốc phòng thì cần phải kiên quyết hơn nữa. Đến 30/9, nếu đơn vị không xử lý dứt điểm tình trạng này, tỉnh sẽ báo cáo Quân khu 3, Bộ Quốc phòng và có biện pháp thu hồi.
Homestay-một hình thức du lịch khá phù hợp với trình độ, nguồn lực của người dân ở các địa bàn như Cô Tô. Sự xuất hiện của các ‘lều du lịch” trên khu vực bãi biển Hồng Vàn (thôn Hồng Hải, xã Đồng Tiến, Cô Tô) thời gian qua dù rằng trái với các quy định của pháp luật do xâm lấn vào đất quốc phòng, chưa được sự cấp phép của chính quyền địa phương nhưng phần nào đó phản ánh khát vọng, mong muốn làm giàu, khai thác tiềm năng địa phương mình của người dân huyện đảo. Được biết, để làm được 1 “lều du lịch” như vậy người dân cũng phải bỏ ra khoảng 120 triệu đồng. Khi chính quyền yêu cầu, họ đã nhận thức rất rõ việc sai phạm của mình và cơ bản đồng ý di dời.
“Tuy nhiên, để tạo sinh kế lâu dài, ổn định, huy động được nguồn lực trong dân vào phát triển kinh tế địa phương, cùng với việc vận động, thuyết phục người dân di dời lều, trả lại đất cho quốc phòng, hỗ trợ họ tháo dỡ, giảm thiệt hại khi di dời, chúng tôi vô cùng mong muốn huyện Cô Tô quy hoạch cho địa điểm mới để di dời các “lều du lịch” này về, hình thành một làng du lịch cho người dân có chỗ làm ăn, sinh sống, đúng quy định của pháp luật” - anh Vũ Thanh Minh, một người kinh doanh “lều du lịch” lâu năm ở Cô Tô bày tỏ mong muốn.
Như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đối với cấp ủy, chính quyền huyện Cô Tô: Tỉnh, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế, việc người dân đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn phù hợp với định hướng phát triển du lịch của huyện rất đáng hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo về quy hoạch và cấp phép xây dựng.
Ngọc Lan