Lão Nhà báo Vũ Điều, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Báo Quảng Ninh, nguyên Trưởng Đại diện Báo Nhân dân tại Quảng Ninh, người đã đoạt giải nhất Giải báo chí Quốc gia năm 1993 với loạt bài về di dời Nhà máy tuyển than ra khỏi khu vực trung tâm Hòn Gai (TP Hạ Long) chia sẻ: Năm 1992 khi tôi thực hiện loạt bài điều tra về nhà máy sàng tuyển than nằm tại phường Hòn Gai đã đặt vấn đề di chuyển nhà máy sàng tuyển này đi đâu? Theo tìm hiểu của tôi thời điểm đó, Bộ Năng lượng phê duyệt dự án cải tạo mở rộng Nhà máy sàng than Hòn Gai thành Nhà máy sàng - tuyển than mới. Một số chuyên gia đã đề xuất không nên di dời đến Nam Cầu Trắng vì rất gần Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ninh, chưa phải là phương án tối ưu mà nên di chuyển Nhà máy sàng than Hòn Gai qua Đèo Bụt (xuống khu vực Nhà máy sàng - tuyển than Cửa Ông ở vùng Cẩm Phả - cách vị trí cũ 30km). Tuy nhiên, do nhiều vấn đề chưa đạt được sự thống nhất, vì vậy các cấp lãnh đạo quyết định di dời tạm thời ra khu vực Cột 8 - nơi Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng đang hoạt động hiện nay.
Cũng theo lão nhà báo Vũ Điều thì Nhà máy Tuyển than Hòn Gai thời đó được xây dựng tại vị trí trung tâm của TX Hòn Gai (nay là cuối đoạn đường 25/4). Người dân Hòn Gai gọi đấy là khu Kho than - nơi tập kết than phục vụ cho nhà máy sàng tuyển, với chằng chịt đường tàu để đưa than vào- ra nhà máy. Ai cũng biết hoạt động của nhà máy sàng tuyển than dù có sử dụng biện pháp công nghệ tiên tiến đến đâu cũng không tránh khỏi những tác động đến môi trường. Phương tiện vận chuyển than vào nhà máy để sàng tuyển, rồi đưa than đi các cảng bến tiêu thụ, nhà máy hoạt động ngày đêm nên ô nhiễm bụi, tiếng ồn là điều mà người dân Hòn Gai phải hứng chịu. Và cũng từ vị trí trung tâm này bụi có cơ hội lan tỏa khắp thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh.
Không thể để tồn tại một “địa chỉ đỏ” về ô nhiễm môi trường tại trung tâm thành phố, Nhà máy Tuyển than Hòn Gai đã được di dời về khu vực cột 8. Và cũng như thông tin cung cấp của lão nhà báo- người đã gắn bó cả cuộc đời làm báo với Vùng mỏ Quảng Ninh, câu chuyện di dời nhà máy tuyển than ra khỏi khu vực trung tâm của TP Hạ Long đã được quyết từ cách đây 25 năm. Việc Tuyển than Nam Cầu Trắng đang tồn tại ở khu vực Cột 8 hiện nay cũng từ 25 năm trước đã được khẳng định đó chỉ là địa điểm tạm thời. Có lẽ ở thời điểm đó các nhà quy hoạch đã nhìn thấy sự phát triển của TP Hạ Long 25 - 30 năm và 50 năm sau, đó là sự tồn tại của nhà máy tuyển than tại khu vực trung tâm thành phố, nhất là đối với thành phố ven biển như Hạ Long là vô cùng bất hợp lý, thậm chí có thể cản trở sự phát triển của thành phố du lịch biển.
Xuôi dòng thời gian thấy rằng, theo Tổng sơ đồ phát triển ngành Than, sản lượng than nguyên khai đưa vào các cơ sở sàng tuyển than ngày càng tăng, nên mức độ gây ô nhiễm môi trường do hoạt động của các cơ sở sàng tuyển than cũng tăng cao. Các tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của các cơ sở sàng tuyển than được xác định là do nước thải, chất thải rắn, bụi và tiếng ồn. Dù rằng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghệ tuyển than, ngành Than đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Đổi mới công nghệ tuyển để giảm các tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong quá trình tuyển than; áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động sàng tuyển than gây ra. Tuy nhiên, thực tế tại khu vực phía Đông của TP Hạ Long hiện nay (bao gồm các phường Hồng Hà, Hồng Hải, Hòn Gai, Bạch Đằng…) hầu hết đều đang hứng bụi từ hoạt động của Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng, nặng hơn là người dân của phường Hồng Hà vừa phải chịu bụi, tiếng ồn của Nhà máy và Vịnh Hạ Long hứng chịu nước thải do quá trình sàng tuyển.
Di dời Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng - dư luận nhân dân đang rất mong chờ vì môi trường sống, vì giá trị trường tồn của Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, vì sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Nhưng di dời tới đâu - đó là câu chuyện của tầm nhìn?!
Ngọc Lan