Bà Nguyễn Thị Đằng một người dân ở thôn Bản Sen (xã Bản Sen, Vân Đồn) cho biết: “Người dân chúng tôi đang chờ huyện, xã lên phương án di dời, trong khi mùa mưa bão sắp đến rồi, chúng tôi đã bảo nhau lên rừng dựng lán nếu mưa lũ xảy ra sẽ chạy lên đó trốn tạm”.
Có lẽ trong câu chuyện của mình bà Đằng không trách cứ sự chậm trễ của chính quyền địa phương nhưng vì sợ cảnh đêm hôm đùm rúm kéo nhau xuyên rừng tìm nơi trú ẩn như năm trước nên họ mới có ý định lên rừng làm lán tạm trú. Và càng thấy sự cấp bách phải di dời, sự mong ngóng, chờ đợi, thấp thỏm của người dân thôn Bản Sen đến mức nào. Bởi chưa ai quên trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 khiến cả thôn Bản Sen bị chìm sâu trong nước lũ, ngay lúc đó tỉnh, huyện, xã và 24 hộ dân trong thôn đã cùng thống nhất sẽ di dời đến địa điểm khác dù rằng nơi đây họ đã bám đất, bám rừng hàng trăm năm.
8 tháng đã trôi qua nhưng dự án di dời thôn Bản Sen của huyện Vân Đồn vẫn đang trong giai đoạn xin ý kiến, thẩm định, chờ phê duyệt. Tại sao số hộ dân di dời không quá lớn, người dân rất đồng thuận ủng hộ mà việc di dời 24 hộ dân này mất nhiều thời gian đến vậy?
Tìm hiểu được biết để di dời 24 hộ dân này, huyện Vân Đồn đã lập dự án đầu tư một khu tái định cư tại thôn Nà Sắn (xã Bản Sen), có diện tích 2,2 ha, với tổng mức đầu tư gần 39 tỷ đồng (toàn bộ kinh phí này là để làm cơ sở hạ tầng). Địa điểm này trước đây đã có các hộ dân của thôn Nà Sắn sinh sống, sau các hộ dân này chuyển về đất liền làm ăn buôn bán nhưng trên mặt bằng hiện vẫn còn các khu vườn trồng cam, vải, keo. Và để tạo bộ mặt mới cho khu tái định cư, đơn vị tư vấn lên phương án hót toàn bộ phần đất bề mặt đi để tạo mặt bằng mới; đường đi cho 24 hộ dân này sẽ làm móng cấp phối đá dăm, mặt đổ bê tông dày 20cm…. Có lẽ vì đầu tư cơ sở hạ tầng quá hoành tráng nên dù đây là dự án di dân để phòng chống thiên tai nhưng quá trình lập dự án như dự án đầu tư xây dựng cơ bản bình thường. Điều đáng nói không chỉ sự máy móc trong quá trình lập dự án mà sự “hành chính hóa”, rập khuôn nội dung của dự án cũng không khác gì các dự án tái định cư khác, đó là phải có bóc xúc đất đá, san gạt tạo mặt bằng, móng đường phải được cấp phối đá dăm, mặt đường phải đổ bê tông đảm bảo tiêu chuẩn cấp độ…. Và thẩm định của các cơ quan chuyên môn dường như cũng không thoát được sự “hành chính hóa” đó.
Từ chuyện di dân ở Bản Sen nhìn sang Cẩm Phả, trong hoàn cảnh hàng trăm hộ dân cần di dời khỏi vùng bị sạt lở đất đá, ngập lụt, Cẩm Phả đã rất thần tốc trong thời gian ngắn hoàn thành di dời hơn 100 hộ dân. Điều quan trọng tất cả các hộ dân này đều đã đến nơi ở mới trong tâm trạng rất phấn khởi, vui vẻ bởi họ không phải chờ đợi chính quyền lập dự án đầu tư, xây dựng khu tái định cư mà theo nguyện vọng họ được cấp tiền tự tìm mua đất, làm nhà. Với mức hỗ trợ bình quân 700 triệu đồng/hộ, hơn 100 hộ dân của Cẩm Phả đã có nhà mới vững chắc, ở nơi an toàn hơn nơi ở cũ.
Quảng Ninh với đặc thù của tỉnh có địa hình tương đối phức tạp, lại chịu hậu quả của quá trình khai thác than hàng trăm năm để lại nên những biến động về địa chất là yếu tố rất khó lường, cộng với thời tiết ngày càng cực đoan nên những yếu tố rủi ro do thiên tai cao hơn rất nhiều so với các địa phương khác. Chính phủ đã đồng ý cho Quảng Ninh xây dựng đề án tổng thể di dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt và trong thời gian chờ đề án được phê duyệt tỉnh đã có chỉ đạo trước mùa mưa bão năm 2016 phải di dời xong các hộ dân ở những khu vực đã từng bị sạt lở đất đá, ngập lụt nặng trong mùa mưa bão năm 2015.
Di dân phòng chống thiên là việc vô cùng khẩn cấp, mọi phương án đều phải được ưu tiên hàng đầu, từ câu chuyện di dời thôn Bản Sen, các địa phương cần đặc biệt rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công việc và phải biết “biến những điều phức tạp thành đơn giản để xử lý nhanh”- như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc đã từng yêu cầu trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức.
Ngọc Lan