Chính phủ đề xuất hỗ trợ học phí, ăn trưa cho học sinh mầm non 3-5 tuổi là con công nhân, với mức 350.000 đồng một tháng.
Nội dung này nằm trong dự thảo Nghị quyết về phổ cập mầm non cho trẻ 3-5 tuổi. Trình bày trước Thường vụ Quốc hội sáng 17/4, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết chính sách áp dụng với trẻ ở cả cơ sở mầm non tư thục, dân lập, là con công nhân có hợp đồng lao động ở các khu công nghiệp.
Bộ ước tính khoản hỗ trợ học phí là 150.000 đồng, ăn trưa 200.000 đồng một học sinh mỗi tháng. Tính cả chi phí hỗ trợ các nhóm trẻ theo diện chính sách khác, tổng chi hai khoản này là hơn 1.052 tỷ đồng một năm.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất trợ cấp để thu hút giáo viên mẫu giáo vào trường công, từ năm học tới, tổng chi hơn 2.800 tỷ đồng. Bộ ước tính cả nước thiếu gần 48.000 giáo viên mầm non trong giai đoạn 2026-2030. Cùng đó, nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ ở bậc mầm non; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo quy định.
Theo ông Sơn, hàng năm khoảng 5,1 triệu trẻ mầm non, phần lớn độ tuổi 3-5 được nuôi dưỡng, giáo dục tại hơn 32.400 trường, nhóm trẻ. Tuy nhiên, lượng khá lớn - khoảng 300.000 trẻ 3-4 tuổi ở vùng khó khăn, thuộc diện yếu thế chưa được đến trường, gây mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Do đó, chính sách phổ cập giáo dục mầm non sẽ ưu tiên đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, gồm xây mới, sửa chữa trường, lớp, trang thiết bị học tập... khoảng 75.000 tỷ đồng.
"Cần đảm bảo trẻ được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp 1", ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi đòi hỏi nguồn tài chính và nhân lực rất lớn. Tổng dự toán riêng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị giai đoạn 2026-2030 là 116.300 tỷ.
Ngoài ra, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với học sinh từ mầm non đến phổ thông. Ông đề nghị xác định lộ trình theo từng năm học, để có cơ sở lập kế hoạch, kinh phí cho đề án, cũng như đánh giá tác động của kinh phí phổ cập mầm non đến các nhiệm vụ khác của ngành.
Ông Phan Văn Mãi, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính, nhìn nhận giai đoạn 3-5 tuổi rất quan trọng, là nền tảng để trẻ phát triển thể chất, trí tuệ, chuẩn bị cho bậc tiểu học. Ông đề nghị bổ sung chính sách phát triển thể chất vào dự thảo Nghị quyết.
Về đầu tư trường lớp, ông cho rằng chính sách như dự thảo là chưa tương xứng và chưa đủ. Ông gợi ý Chính phủ giao đất không thu phí, không thu thuế với nhà đầu tư xây dựng trường, lớp, từ đó huy động được nguồn lực rất lớn của xã hội cho phổ cập mầm non.
"Đây là giai đoạn rất quan trọng, Nhà nước phải đầu tư và chúng ta không nên tiếc ngân sách để đầu tư cho con người", ông nói.
Bà Nguyễn Thanh Hải, chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu, cũng băn khoăn khía cạnh này. Theo bà, chỉ nơi có điều kiện kinh tế phát triển, nhà đầu tư mới tham gia vào giáo dục mầm non.
"Chưa có doanh nghiệp nào quan tâm đầu tư cho giáo dục mầm non ở vùng khó khăn, nông thôn vì ai cũng cân đối lợi nhuận", bà nói, đề nghị có chính sách đột phá hơn để phát triển mạng lưới trường, lớp.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị ban soạn thảo rạch ròi chính sách với cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập, thay vì ghép chung như hiện tại.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói việc mở rộng diện phổ cập giáo dục mầm non đối với cả công lập và tư thục là phù hợp với quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc này cũng liên thông với chính sách miễn học phí cho học sinh công lập được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.
Ông đồng tình cần huy động nguồn lực xã hội, nhưng chính sách dành cho đô thị và nơi miền núi khó khăn phải khác nhau. Về đề xuất giao đất, miễn thuế cho nhà đầu tư xây trường mầm non, Bộ trưởng nói có thể tính đến, hoặc theo hình thức Nhà nước đầu tư về đất, hạ tầng rồi giao tư nhân khai thác theo mô hình đối tác công tư.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói Thường vụ Quốc hội đồng ý về chủ trương của dự thảo này. Tuy nhiên, Chính phủ và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện, trong đó làm rõ liệu đến năm 2030 cả nước có đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 3-5 tuổi, và các chính sách đã được tính toán kỹ lưỡng để thực hiện hay chưa.
"Phổ cập giáo dục" là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân trong độ tuổi đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định, theo quy định của pháp luật.
Hiện, bậc mầm non phổ cập với trẻ 5 tuổi. Bộ cho biết tỷ lệ huy động ở nhóm nhà trẻ (3-36 tháng tuổi) đạt 34,6%, mẫu giáo (3-5 tuổi) đạt 93,6%.