Sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ, các tác giả ở Quảng Ninh đã xây dựng những chân dung đẹp về người lính với những lời ngợi ca cùng sự đồng cảm và cả những mất mát, hy sinh.

Một điều đặc biệt nhất là có những người cầm bút ở Quảng Ninh là liệt sĩ, họ đã hoàn thành tác phẩm của mình trước lúc hy sinh. Tiêu biểu như liệt sĩ Trình Văn Vũ quê ở đảo Minh Châu (đặc khu Vân Đồn) có tập nhật ký dưới đáy ba lô. Sau này các đồng đội tìm được và xuất bản thành cuốn sách "Nhật ký Trình Văn Vũ". Hay như liệt sĩ Đặng Quang Long là hoạ sĩ từng được tham gia vẽ tranh thiếu nhi quốc tế những năm 1960-1964, từng vẽ nhiều tranh tại chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa, tuy nhiên do bom đạn chiến tranh thất lạc, gia đình chỉ giữ được một vài bức.
Lĩnh vực văn học ghi nhận nhiều sáng tác ở đề tài thương binh liệt sĩ. Trong đó, có những thương binh, bệnh binh viết về chính cuộc đời mình. Nhà văn Nguyễn Tùng Lâm là thương binh nặng hạng 1/4, từng là một lái xe Trường Sơn, có tập truyện ký “Trường Sơn ngày ấy”, 2 tập truyện ngắn “Cung đường lửa” và “Tình em nơi đầu sóng”, 2 tiểu thuyết “Ngã rẽ” và “Cung đường tình yêu”. Nhà văn Lương Liễm, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh, nguyên thiếu tá quân đội, là bộ đội thời đánh Mỹ, là thương binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, có tiểu thuyết "Chuyện tình lính trận". Nhà văn Đỗ Đăng Hành là thương binh hạng 1/4, đã xuất bản 13 đầu sách, trong đó chủ yếu là các sáng tác về người lính giải phóng quân và chiến tranh cách mạng như: "Ký ức chiến tranh", "Khát vọng", "Dấu thời gian".

Tại Quảng Ninh hiện nay có nhiều tác giả viết về đồng đội, như: Nguyễn Duy Liễm, Trần Ngọc Dương, Đỗ Đăng Hành, Ngô Hải Đảo, Trọng Khang, Nguyễn Quang Vinh… Trong đó, Nguyễn Duy Liễm có tập truyện “Phía sau người lính”, tiểu thuyết "Chiến tranh qua rồi", "Đất làng Bồi". Năm 2015, tiểu thuyết “Chiến tranh qua rồi” của ông đã đoạt giải C giải thưởng VHNT về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Bộ Quốc phòng tổ chức.
Lĩnh vực âm nhạc cũng có nhiều sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ. Nhạc sĩ Xuân Nhật có ca khúc "Pò Hèn” phổ thơ tác giả Cao Trần Nguyên, nhạc sĩ Đỗ Hòa An có ca khúc “Mộ gió” phổ thơ Trịnh Công Lộc và "Trụ biển" là 2 trong số chùm 4 ca khúc được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Về đề tài thương binh, liệt sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hòa An còn có các ca khúc đáng chú ý khác nữa là "Hát mãi bên anh những chiến sĩ vô danh" sáng tác năm 2007 về những chiến sĩ Đại đội Hồ Chí Minh hy sinh tại Sơn Dương năm 1947, "Uống nước nhớ nguồn" sáng tác năm 2008, "Mùa xuân thương nhớ" sáng tác năm 2017 nói về sự chờ đợi mòn mỏi của một cô gái ở hậu phương.
Cùng với nhạc sĩ Đỗ Hòa An, nhạc sĩ Lê Đăng Vệ cũng có những ca khúc hay viết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Nhạc sĩ Lê Đăng Vệ được trao Giải thưởng Nhà nước cho công trình âm nhạc là ca khúc “Bên mộ chiến sĩ vô danh” phổ thơ Vư-sốt-xky. Ông còn có ca khúc "Vũng Đục miền tâm linh" viết về sự hy sinh của những liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp.

Chỉ riêng viết về các liệt sĩ hy sinh ở Pò Hèn đã có rất nhiều ca khúc không chỉ của các nhạc sĩ Quảng Ninh mà còn nhiều nhạc sĩ gạo cội trong nước như: Nhạc sĩ Phạm Tuyên với “Chiến đấu vì độc lập, tự do”, nhạc sĩ Hồ Bắc với “Hoa hồng trên điểm tựa”, nhạc sĩ Thế Song với “Bài ca trên đỉnh Pò Hèn”, nhạc sĩ Hữu Xuân có “Hát về Tổ quốc tôi”, nhạc sĩ Trần Tiến có “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối có "Lời tạm biệt lúc lên đường”, nhạc sĩ Minh Quang có “Hoa sim biên giới”, nhạc sĩ Hồng Đăng có bài “40 thế kỷ cùng ra trận”… Sau này, Trung tá Vũ Thị Huyền Ngọc, Nhà văn hóa Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam đã viết ca khúc “Tình yêu trên đỉnh Pò Hèn”.
Có những bài hát chỉ viết riêng về liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm như các ca khúc: "Có một đóa Hồng Chiêm" của nhạc sĩ Phạm Tuyên, "Bài ca trên đỉnh Pò Hèn" của nhạc sĩ Thế Song, "Người con gái trên đỉnh Pò Hèn" của nhạc sĩ Trần Minh, đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng.
Các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng có những dấu ấn riêng ở đề tài thương binh liệt sĩ. Lĩnh vực mỹ thuật chủ yếu có những sáng tác thời hậu chiến, những tượng đài liệt sĩ. Lĩnh vực nhiếp ảnh cũng vậy, do khó khăn thiếu thốn phương tiện tác nghiệp trong chiến tranh nên chủ yếu là ảnh thời kỳ hoà bình thống nhất. Trong đó, NSNA Vũ Tiến Dũng có bộ ảnh "Mẹ Việt Nam Anh hùng" được trao giải ba cuộc thi "Tự hào một dải biên cương" năm 2024. Lĩnh vực sân khấu cũng tập trung khai thác hình ảnh người lính thời hậu chiến. Còn các lĩnh vực điện ảnh, kiến trúc, múa ở Quảng Ninh thì gần như vắng bóng đề tài này.