21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2348789
718426
Để phát triển tiềm năng du lịch biển, đảo
de-phat-trien-tiem-nang-du-lich-bien-dao
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Để phát triển tiềm năng du lịch biển, đảo

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua và luôn chiếm khoảng 70% tổng khách du lịch cả nước, du lịch biển đảo hiện đang là loại hình du lịch chủ đạo, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới và là nước có diện tích ven biển lớn ở khu vực Đông Nam Á; có tới 125 bãi biển mà hầu hết là các bãi tắm đẹp. Bên cạnh đó, lãnh thổ vùng đất ven biển, vùng biển và hệ thống các đảo, nơi diễn ra du lịch biển đảo và vùng ven biển tập trung tới 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam; 6/8 các khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên.

So với các tỉnh ven biển ở Việt Nam, Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo. Toàn tỉnh có 2 huyện đảo; có 10/14 huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp với biển. Đặc biệt, Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO vinh danh di sản thiên nhiên thế giới, Hạ Long lại tiếp giáp vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà. Ven bờ và trên các đảo ở Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long có rất nhiều bãi tắm đẹp như Trà Cổ (Móng Cái), Cái Chiên (Hải Hà), Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng (Vân Đồn), Vàn Chảy, Hồng Vàn (Cô Tô), Bãi Cháy (Hạ Long).v.v.. Trên các đảo của huyện Vân Đồn có vườn quốc gia Bái Tử Long, có khu sinh thái đảo Ba Mùn. Ngoài ra, ven biển và hải đảo Quảng Ninh có nhiều di tích lịch sử văn hoá, các lễ hội dân gian của cư dân miền biển, phong tục, tín ngưỡng liên quan đến biển; văn hoá sinh kế, văn hoá cư trú, ẩm thực, tri thức bản địa.v.v.. Đây chính là nguồn tài nguyên giàu có khai thác, phát triển du lịch biển đảo bền vững với các loại hình tắm biển, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, khám phá, ngắm cảnh.

Phát huy thế mạnh trên, những năm qua, du lịch Quảng Ninh đã và đang hướng mạnh về biển đảo, coi đây là phương hướng, mục tiêu chính để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư về du lịch, sản phẩm du lịch đẳng cấp đã và đang được các Tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, My Way, FLC đầu tư ở Hạ Long, Vân Đồn. Các tuyến đảo của Vân Đồn, xa nhất như Cô Tô đã có tàu cao tốc đưa khách đi lại thuận tiện. Đường quốc lộ 18 từ Hạ Long ra Móng Cái đã được cải tạo và tới đây sẽ phát triển thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Các dịch vụ lưu trú, giải trí, mua sắm phục vụ nhu cầu của du khách ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc khai thác, phát triển du lịch biển đảo của Quảng Ninh vẫn còn rất hạn chế so với tiềm năng. Các dự án, sản phẩm du lịch dù có cái đạt đẳng cấp thế giới, kỷ lục Ghinet nhưng cơ bản mới chỉ tập trung ở Hạ Long. Trà Cổ - bãi tắm trữ tình nhất Việt Nam cơ bản mới có dịch vụ tắm biển. Các đảo thuộc huyện Vân Đồn, Cô Tô cũng tương tự. Có nơi như Cô Tô, du lịch cơ bản mới chỉ là tự phát. Năm 2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Các địa phương, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình cũng đều có quy hoạch phát triển du lịch, trong đó có du lịch biển đảo. Nguyên nhân, du lịch biển đảo của Quảng Ninh đến nay còn hạn chế, chưa được đánh thức tiềm năng có lẽ bởi ngoại trừ Hạ Long, các địa phương giáp biển, nhất là Vân Đồn, Cô Tô chưa có nhà đầu tư tầm cỡ với những dự án du lịch lớn. Tới đây, Vân Đồn được xây dựng thành Khu hành chính kinh tế, sân bay quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động, các dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành, kết nối giao thông thuận lợi chắc chắn sẽ góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư tới đầu tư vào du lịch.

Du lịch biển đảo ngày càng trở thành một xu hướng và động lực mới, với nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Quảng Ninh không nằm ngoài xu hướng tất yếu ấy. Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch biển đảo Quảng Ninh, thiết nghĩ, bên cạnh việc quảng bá, thu hút đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông, không gì khác là cần quan tâm nhiều hơn đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các sản phẩm du lịch, môi trường du lịch, nhất là bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường tự nhiên. Đó là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch biển đảo Quảng Ninh bền vững.

Trần Minh

Cùng chuyên mục