Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến rất gần. Với tỉnh Quảng Ninh, việc chăm lo Tết cho các gia đình chính sách là trách nhiệm được đặt lên hàng đầu đối với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội.
Với mong muốn mỗi gia đình đều được đón Tết vui tươi, đầm ấm, an bình và hạnh phúc, việc chăm lo Tết cho người nghèo đã và đang được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm, thực hiện với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Hằng năm, UBND tỉnh phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh triển khai kế hoạch tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo”, kêu gọi các doanh nhân, nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ và động viên đồng bào nghèo được đón Tết cổ truyền đầm ấm, an vui. Quyết tâm “không để người nghèo nào không có Tết”, cấp uỷ, chính quyền các địa phương của tỉnh đã bám sát địa bàn, chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho người nghèo và triển khai các hoạt động hỗ trợ, tặng quà tết, tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng.
Tuy nhiên, chăm lo Tết cho người nghèo không đơn thuần chỉ là hỗ trợ về vật chất bằng những suất quà Tết, mà cao hơn đó là sự đồng hành, trợ lực để người nghèo có quyết tâm, có nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị, đoàn thể của tỉnh đều tích cực vào cuộc nhằm giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất bằng các mô hình kinh tế hiệu quả. Việc xây dựng mô hình kinh tế được triển khai linh hoạt, phù hợp điều kiện đặc thù của từng địa phương, từng hộ gia đình với nhiều hình thức như: Trợ giúp về giống, vốn, hỗ trợ kỹ thuật, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.
Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo đã được tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai đồng bộ. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng chi an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.777 tỷ đồng, hỗ trợ 1.138.300 lượt đối tượng, tăng 41% so với số thực hiện năm 2016. Tỉnh đã triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 971 gia đình có công; hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho 783 hộ nghèo theo Chương trình 167 (giai đoạn 2) và 5.708 hộ nghèo theo Đề án 755. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai quyết liệt các giải pháp giảm hộ nghèo, như: Hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất… Chương trình việc làm, cho vay vốn tạo việc làm, nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo cũng đạt được kết quả tích cực. Theo đó, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho khoảng 28.600 lao động, đạt 104% kế hoạch, tăng 2,1% cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tạo việc làm mới cho 19.100 người; tuyển sinh học nghề 34.400 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 70,5%, đạt kế hoạch năm. Với đồng bộ các giải pháp, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 3,39% (11.582 hộ) xuống còn 2,28% (7.896 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 3,2% (11.035 hộ) xuống còn 3,04% (10.546 hộ).
Quảng Ninh đã và đang triển khai chiến lược dài hơi, dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng, thay đổi phương thức hỗ trợ người nghèo theo hướng đồng hành cùng người dân phát triển sản xuất, kinh doanh để tự chủ cuộc sống. Với cách làm đó, những kết quả trên là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Đây chính là cách làm thiết thực nhất để người nghèo không còn nghèo và mỗi lần đón Tết đều là Tết vui.
Lê Hải