Những tháng đầu năm vừa qua, tình hình tiêu thụ thịt lợn ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước, trong đó có Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những tỉnh có tổng đàn lợn lớn, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. Giá bán thịt lợn hơi trên thị trường tụt giảm sâu, gần như chạm đáy khiến người nuôi không có lãi, thậm chí bị lỗ. Điều này làm cho số lượng lớn lợn thương phẩm không thể xuất chuồng, ứ đọng nhiều, người chăn nuôi lo lắng. Nguyên nhân của tình trạng này là do thị trường tiêu thụ thịt lợn không còn thuận lợi như những năm trước, đặc biệt là trong việc xuất khẩu...
Trước thực tế đó, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn, ổn định tình hình chăn nuôi trên phạm vi rộng, ngành nông nghiệp và các địa phương đã kêu gọi việc hỗ trợ giải cứu thịt lợn. Hưởng ứng sự kêu gọi này, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp, đơn vị quân đội có mức tiêu thụ thực phẩm lớn đã ký hợp đồng tiêu thụ thịt lợn với các hộ chăn nuôi. Nhờ vậy, tình trạng ứ đọng lợn thương phẩm đã giảm được căng thẳng, giá thịt lợn trên thị trường đã nhích dần lên, người nuôi bước đầu đã có lãi. Tuy nhiên, sự tăng giá này chưa mang tính ổn định, có lúc tăng, lúc giảm. Có không ít địa phương lo ngại sự tăng giá này là tăng ảo...
Đối với thị trường Quảng Ninh, sau thời gian giá thịt lợn giảm mạnh (xuống trên dưới 20.000 đồng/kg lợn hơi), thì từ trung tuần tháng 7 đến nay giá đã đảo chiều, tăng lên mức 45.000 - 50.000 đồng/kg. Điều này đã khiến người nuôi phấn khởi vì cắt được lỗ, không còn quá lo lắng khi tái đàn. Đến nay số lượng lợn thương phẩm tồn đọng trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 9.000 con, trong khi trước đó là khoảng 30.000 - 40.000 con...
Việc giá thịt lợn hơi đảo chiều tăng trở lại là điều đáng mừng cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan chuyên môn, việc tăng giá trở lại này có thể chỉ mang tính thời điểm, chưa đảm bảo sự bền vững, vì còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường phía Trung Quốc. Bởi vậy, các cơ sở và người chăn nuôi cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định tái đàn; trước mắt nên đầu tư phát triển chăn nuôi lợn ở mức hợp lý. Đặc biệt cần tránh tâm lý khi thấy giá tăng cao thì đầu tư ồ ạt, theo phong trào. Các cơ quan chuyên môn cũng cần xem xét, phân tích giá lợn tăng là do nguyên nhân gì, do nhu cầu thực tế của thị trường hay do một nguyên nhân nào khác, để khuyến cáo, định hướng phát triển cho người chăn nuôi...
Quảng Ninh không phải là tỉnh trọng điểm nông nghiệp, do vậy tổng đàn lợn chăn nuôi trên địa bàn cũng không phải là nhiều. Nhưng từ thực tế đợt giải cứu vừa qua cho thấy, tuy số lượng lợn thương phẩm không nhiều, nhưng việc tiêu thụ, giải cứu cũng không hề dễ dàng. Vì vậy, trong việc phát triển đàn lợn nói riêng và các nông sản khác nói chung, để không phải kêu gọi giải cứu thì vấn đề mấu chốt là việc phát triển sản xuất phải theo quy hoạch, phù hợp với thực tế tiêu thụ của thị trường, cung - cầu hợp lý và phải chú trọng thực hiện tốt công tác dự báo trong đầu tư, phát triển. Đặc biệt, cần hết sức tránh đầu tư theo kiểu tự phát, theo phong trào, hội chứng đám đông, thấy có lãi thì phát triển ồ ạt, đến khi rớt giá thì quay ra phá bỏ cây trồng, kêu gọi hỗ trợ, giải cứu sản phẩm, vật nuôi v.v.. Những bài học về khủng hoảng thừa đối với một số nông sản như dưa hấu, thanh long, hành... ở một số địa phương trong nước đã chỉ rõ hệ lụy của sự đầu tư, phát triển không tuân thủ quy luật cung - cầu, không làm tốt công tác dự báo thị trường của người sản xuất và các cơ quan chuyên môn...
Hy vọng, từ sự giải cứu thịt lợn vừa qua, các cơ quan chức năng, người sản xuất, chăn nuôi sẽ rút ra cho mình những bài học sâu sắc, để qua đó hoạch định được chiến lược đầu tư, phát triển sản xuất bền vững, thật sự hiệu quả, không cần phải có sự can thiệp giải cứu, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân...
Thanh Tùng