Trong quá trình đổi mới, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khoá VII, tháng 1-1993, Đảng ta đã sớm khẳng định “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”, khẳng định vai trò động lực của văn hoá trong công cuộc đổi mới đất nước. Đến hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 5, khoá VIII, tháng 7-1998, Đảng ta đã đề cập một cách toàn diện những nội dung cốt lõi nhất của vấn đề “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được xác định là một trong 4 nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII). Trong đó, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội; xây dựng môi trường văn hoá sạch - đẹp - an toàn là 2 trong những nội dung cụ thể của thực hiện phong trào.
Kết quả thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh nói riêng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” nói chung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những năm qua đã thu được những kết quả to lớn, tích cực: Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, không chỉ khu vực đô thị, mà đồng bào vùng sâu, vùng xa cũng được nhiều thụ hưởng về văn hoá, diện mạo đô thị, làng, bản không ngừng đổi thay. Đặc biệt, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của cha ông đã được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị; những hủ tục lạc hậu không phù hợp cuộc sống mới dần được loại bỏ; các giá trị văn hoá của Quảng Ninh được quảng bá, giới thiệu rộng rãi ra thế giới. Các phong trào xây dựng “gia đình văn hoá”, “gia đình 5 không, 3 sạch”, “làng, khu phố văn hoá”, “xã, phường, thị trấn văn minh”, “xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” và gần đây như “ngày thứ 6 vì môi trường”, “ngày chủ nhật xanh”... đã thực sự làm thay đổi diện mạo nhiều thôn, bản, làng, khu phố trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Quảng Ninh, năm 2016, toàn tỉnh có 6.585/6.773 (97%) số đám cưới và 4.708/4.864 (96,8%) số đám tang thực hiện tốt nếp sống văn minh; toàn tỉnh có 293.264/327.717 (89%) gia đình được công nhận “gia đình văn hoá”; có 1.290/1.567 (82%) làng, khu phố được công nhận “làng, khu phố văn hoá”, 82/111 xã đạt chuẩn xã văn hoá nông thôn mới, 35/75 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Mục tiêu của Ban Chỉ đạo là năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu giữ vững và phát huy danh hiệu “gia đình văn hoá” đạt tỷ lệ trên 90% trở lên, “làng, khu phố văn hoá” đạt trên 84%.
Năm 2017, chủ đề công tác năm của tỉnh Quảng Ninh là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công chức; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh”. Đây là động lực thúc đẩy thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, nhưng đồng thời sẽ là một cuộc kiểm tra, đánh giá lại kết quả của phong trào xây dựng đời sống văn hoá thực sự hiệu quả, bền vững. Để việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và chủ đề năm của tỉnh đạt hiệu quả, không chỉ là hô khẩu hiệu, thiết nghĩ, bên cạnh các giải pháp đã và đang triển khai như tăng cường tuyên truyền, phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể khu phố, thôn, bản; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm đối với các vi phạm nếp sống văn hoá, văn minh, nhất là cán bộ, đảng viên. Câu chuyện 1 cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long cuối năm vừa rồi bị thành phố xử lý kỷ luật do vi phạm quy định kỷ luật, kỷ cương công chức đã nhận được nhiều sự đồng tình của xã hội là một minh chứng. Đặc biệt, trong xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh cần quan tâm nhiều hơn đến xây dựng gia đình văn hoá, bởi ai cũng biết, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến nếp sống văn hoá, nhân cách của mỗi con người. Gia đình là tế bào của xã hội. Nhiều gia đình tốt thì xã hội sẽ tốt.
Trần Minh