Sự sống là hữu hạn. Song, có những chia ly không chỉ là nỗi buồn, mà còn gieo mầm những hy vọng sống khác. Một người ra đi nhưng chọn để lại điều quý giá nhất – “sự sống” – cho những người họ chưa từng gặp. Đó không chỉ là một quyết định dũng cảm, mà còn là tình người vô cùng đẹp đẽ. Hiến tạng không làm chúng ta mất đi một người thân yêu, mà chỉ là để họ tiếp tục hành trình của mình – trong một hình hài khác, một nhịp tim khác, một hơi thở khác. Nhờ nghĩa cử ấy, ở đâu đó, sẽ có những người bệnh có thêm cơ hội sống quý giá, có thêm những bữa cơm sum họp gia đình, có những ngày bình yên bên người mình thương.

Đêm trắng của người vợ dũng cảm
Đêm 21/5, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt: anh Đàm Văn Long (37 tuổi), nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu do xuất huyết não sau đột quỵ. Mặc dù được cấp cứu, hồi sức tích cực ngay lập tức, nhưng tình trạng của anh không cải thiện. Các chỉ số sinh tồn không cho thấy bất cứ tín hiệu khả quan nào. Các bác sỹ chẩn đoán: Anh Long có dấu hiệu chết não.
Vợ anh – chị Lường Thị Chung, hiện là nhân viên y tế tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh – đứng trước một trong những lựa chọn đau đớn nhất đời người. Nhưng với sự thấu hiểu từ chính nghề nghiệp của mình, chị đã chọn một con đường đầy nhân văn: hiến tạng của chồng để cứu người.
“Chồng tôi, một người vô cùng tử tế, khi còn khoẻ mạnh, cũng có tâm nguyện được đăng ký hiến tạng của mình. Anh ấy mất rồi, nhưng còn biết bao người khác đang cần được sống. Đó cũng là cách để ba đứa con của chúng tôi có thể tự hào về cha mình”, chị nghẹn ngào chia sẻ.

Trong khoảnh khắc tiễn biệt, chị lặng lẽ chạm vào gương mặt anh. Dù không lời nào được nói ra, nhưng ánh mắt, bàn tay run rẩy đã thay cho muôn vàn lời yêu thương. Chị tin rằng anh sẽ đồng ý với cách làm của chị. Trong nỗi đau khôn nguôi, điều an ủi lớn nhất là cả chị và anh – khi còn sống, đều tin rằng, cho đi là cách mà sự sống được tiếp diễn. Đó là cách chị để anh tiếp tục sống – trong một hình hài khác, một nhịp tim khác, một hơi thở khác.
Những người nối dài sự sống
Ngay trong ngày 22/5, khi nhận được sự đồng thuận hiến tạng từ gia đình, toàn bộ hệ thống y tế Quảng Ninh đã khẩn trương vào cuộc. Bệnh viện Đa khoa tỉnh kết nối với Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, phối hợp với các đơn vị nhận tạng để lên phương án điều phối và phẫu thuật.

Rạng sáng 23/5, ca lấy đa tạng được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Theo kế hoạch, tim và gan được điều phối về Bệnh viện Việt Đức; phổi về Bệnh viện Phổi Trung ương; hai giác mạc đến Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Mắt Trung ương. Riêng hai thận được ghép ngay cho hai bệnh nhân suy thận mạn tại chính Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Mặc dù không phải lần đầu tiên triển khai ghép thận, song đây là lần đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng thời chuỗi lấy tạng – ghép thận song song trên hai bệnh nhân, đặt ra những thách thức không nhỏ về mặt chuyên môn. Để triển khai chuỗi phẫu thuật liên tiếp này, bệnh viện đã huy động toàn bộ nguồn lực: hàng trăm cán bộ y tế, năm phòng mổ hoạt động đồng thời, hệ thống thiết bị và nhân lực đều trong tình trạng sẵn sàng cao nhất.
Đúng 1 giờ sáng ngày 23/5, ekip thực hiện lấy tạng đọc lời tri ân cuối cùng tới anh Long. Ca phẫu thuật lấy tạng được bắt đầu.
“Chúng tôi không chỉ thực hiện những ca mổ, mà là nỗ lực để hoàn thành phó thác của gia đình, nối dài hành trình sự sống của anh Long, thực hiện tâm nguyện của anh, trao cơ hội sống cho những mảnh đời không may khác…”, bác sĩ Nguyễn Bá Việt – Giám đốc Bệnh viện chia sẻ.
Hai bệnh nhân được ghép thận – một người 33 tuổi, một người 54 tuổi – đều trong tình trạng suy thận giai đoạn cuối. Sau ghép, cả hai quả thận bắt đầu bài tiết nước tiểu, dấu hiệu cho thấy sự sống đã hồi sinh.

Để hành trình sự sống không ngừng tiếp diễn
Sự kiện lấy đa tạng và ghép thận đồng thời hai ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục ghi dấu những nỗ lực tiếp theo của đơn vị cũng như ngành y tế Quảng Ninh trên bản đồ hiến – ghép tạng quốc gia. Đây là ca ghép thận thứ 5 và thứ 6 được triển khai trên địa bàn tỉnh chỉ trong hơn một tháng qua, khẳng định năng lực y tế của đội ngũ y bác sỹ tỉnh nhà trong làm chủ kỹ thuật ghép tạng – kỹ thuật cao của y học hiện đại. Song, hơn cả, từ sự cho đi cao của anh Long, chị Chung, đã lan toả ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nghĩa cử hiến tạng cứu người.

Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định: Khó khăn lớn nhất trong ghép tạng không phải là kỹ thuật hay thiết bị, mà là nguồn tạng. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các đơn vị y tế có thể có được những trang thiết bị tân tiến nhất, hiện đại nhất, phục vụ kỹ thuật ghép tạng. Về con người, chúng tôi đã đào tạo thành công những ekip đầu tiên đủ khả năng thực hiện kỹ thuật và có thể tiếp tục đào tạo thêm. Nhưng nguồn tạng đến từ người hiến chết não, chính là món quà sự sống mà chúng tôi luôn mong mỏi. Chỉ với một người hiến chết não, đã có bảy người được nối dài cuộc sống. Đó là một nghĩa cử vô cùng thiêng liêng”.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 123.000 người đang chờ ghép tạng. Nhưng mỗi năm, số ca ghép thực hiện được còn rất ít, phần lớn do thiếu nguồn tạng. Chính vì vậy, mỗi hành động đăng ký hiến mô, tạng – dù là từ người sống hay sau khi qua đời – đều có ý nghĩa cứu người to lớn.
Sau đêm trắng ấy, ở đâu đó trên đất nước này, một trái tim lại đập, một lá phổi lại thở, một đôi mắt lại nhìn được ánh sáng. Và anh Long – bằng tình yêu, sự tử tế và lòng bao dung – đang hồi sinh trong những cơ thể khác.
Hiến tạng không làm ta mất đi người thân. Đó là cách để họ tiếp tục hiện diện trong từng nhịp đập, từng hơi thở giữa cuộc đời này. Người cho và người nhận, họ có thể không biết nhau, nhưng giữa họ, đã có một mối dây gắn kết vô hình – được dệt nên từ lòng nhân ái và niềm tin vào điều tử tế.