Mới đây, phát biểu tại hội nghị toàn quốc về du lịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhận xét, du lịch Việt Nam có sự phát triển nhanh, tuy nhiên nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới là rất lớn. Phó Thủ tướng cho hay, 70% khách du lịch đến Việt Nam không muốn quay trở lại vì 7 nỗi sợ hãi: Cướp giật, trộm cắp, kẹt xe, tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự thiếu trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh và sợ ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, du lịch Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng lại thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Đây là những điểm yếu cơ bản của du lịch Việt Nam. Bởi vậy, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, theo Phó Thủ tướng, quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường. Đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông, lưu trú; tập trung cho các vùng du lịch trọng điểm, các khu, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch, không đầu tư dàn trải. Đặc biệt cần có quan điểm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, nhưng không nhất thiết tỉnh nào cũng coi du lịch là mũi nhọn…
Với Quảng Ninh, một địa phương được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, chứa đựng rất nhiều tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nói chung và du lịch nói riêng, mà không phải địa phương nào trong nước cũng có được. Và trong quá trình phát triển, Quảng Ninh cũng luôn xác định du lịch - dịch vụ phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Điều này là có cơ sở, bởi riêng việc Quảng Ninh được thiên nhiên ban tặng cho Vịnh Hạ Long - Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới - mà không nơi nào trên thế giới có được, đã là một lợi thế đặc biệt để phát huy, khai thác phục vụ cho du lịch. Cùng với đó còn có rất nhiều các tiềm năng, lợi thế khác, như hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử; hệ thống các đảo đá, đảo đất trên biển với nhiều cánh rừng nguyên sinh, bãi cát tuyệt đẹp. Quảng Ninh còn là tỉnh có đường biên giới trên bộ và trên biển dài, có các cửa khẩu quốc gia, quốc tế thông thương với thị trường lớn Trung Quốc, gắn liền với các trung tâm thương mại, điểm mua sắm có sức cuốn hút đối với nhiều du khách. Đặc biệt, Quảng Ninh còn là vùng đất khai sinh ra nền công nghiệp khai khoáng (than đá) đầu tiên của đất nước có bề dày phát triển qua nhiều thế kỷ, gắn liền với sự ra đời, phát triển, lớn mạnh của giai cấp công nhân Vùng mỏ… Và chỉ cần điểm qua một vài đặc trưng nổi trội đó thôi, cũng đủ nói lên tiềm năng du lịch của Quảng Ninh là rất to lớn, dồi dào, phong phú…
Bởi vậy, trong mục tiêu tổng quát phát triển của tỉnh giai đoạn 2015-2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực…
Và trong chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch của Quốc gia, Quảng Ninh cũng luôn được xác định là một trong những vùng du lịch trọng điểm, khu, điểm du lịch quốc gia. Điều này được minh chứng qua số lượng du khách cả trong nước và quốc tế đến với Quảng Ninh trong những năm qua liên tục gia tăng, lên tới hàng triệu lượt người, mang lại doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm…
Tuy vậy, sự phát triển này vẫn chưa tương xứng với những tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh. Giá trị gia tăng do ngành du dịch mang lại vẫn chưa lớn. Điều này đồng nghĩa với việc du lịch vẫn chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mà nguyên nhân chính cũng không nằm ngoài những yếu kém, hạn chế chung như Phó Thủ tướng đã chỉ ra tại hội nghị ngành du lịch toàn quốc vừa qua…
Do đó, để du lịch Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì các cơ quan, ngành chức năng của tỉnh phải tích cực, khẩn trương vào cuộc, trước hết là loại bỏ, chấm dứt ngay những nỗi sợ hãi của du khách như đã chỉ ra. Đồng thời quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc tăng cường, nâng cao khả năng, tính chuyên nghiệp trong phục vụ, đón tiếp du khách; phát triển, đầu tư, mở rộng thêm các dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao. Và một điều quan trọng nữa là phải nhanh chóng đổi mới tư duy trong làm du lịch, đảm bảo phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế…
Thanh Tùng