Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Cho ý kiến đối với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần làm rõ các yêu cầu nhiệm vụ sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đối với quy định về kết luận thanh tra, đại biểu cho rằng cần phải có cơ chế để cho những đối tượng được thanh tra kiến nghị và cơ chế xử lý kiến nghị. Trong đó, cần phải đặt ra những quy định ở trong luật; có nguyên tắc cụ thể để giao cho các cơ quan ban hành các văn bản dưới luật quy định chi tiết hơn về nội dung này. Với vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu đề nghị phải đảm bảo tính thống nhất. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị làm rõ thời gian quy định thời hạn liên quan đến hoạt động thanh tra, đảm bảo theo hướng cải cách thủ tục hành chính

Cũng liên quan đến Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đồng tình với ý kiến cho rằng quy định thời gian thanh tra và phải bám sát với yêu cầu về việc cái cách hành chính. Trong đó, cắt giảm 30% thủ tục, giảm 30% chi phí và giảm 30% thực hiện. Cho nên trong luật phải làm rõ về quy định thời gian này.
Liên quan đến hoạt động thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định phải rõ ràng, tránh việc trùng lẫn giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm toán; phải quy định rạch ròi hơn nữa trách nhiệm kiểm tra, kiểm toán khi nào và quy định thanh tra được sử dụng kết quả của kiểm toán, vậy kiểm toán có được sử dụng kết quả của thanh tra hay không. Qua đó tránh sự chồng chéo giữa Thanh tra Nhà nước với Kiểm toán Nhà nước và thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin thêm tới các đại biểu quy định về số lượng của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo đó, việc quy định số lượng đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị đối với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân cần xem xét về việc tiếp nối đối với vai trò của hội thẩm nhân dân tại cấp huyện và tổ chức lại đội ngũ hội thẩm Tòa án khi sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương còn 2 cấp.
Bên cạnh đó, khi thành lập Tòa án khu vực, việc tổ chức hoạt động của hội thẩm nhân dân ở tại Tòa án khu vực như thế cần phải có tính toán và có giải pháp cụ thể hơn trong điều luật.
Liên quan đến Luật Thanh tra (sửa đổi) đối với vị trí, chức năng của Thanh tra tỉnh quy định tại Điều 15 cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vị trí công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Ngoài ra, cần bổ sung quy định cụ thể về việc sử dụng con dấu cơ quan thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra để đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực pháp luật của các văn bản do Trưởng đoàn thanh tra ban hành trong thời gian hoạt động thanh tra.
Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong công tác thanh tra như việc ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác thanh tra, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra tại địa phương rồi xây dựng, kiện toàn và nâng cao hiệu lực về tổ chức bộ máy thanh tra cũng như đảm bảo kinh phí hoạt động.