Hàng năm, vào các dịp hè, chuyện đuối nước ở trẻ luôn là vấn đề nóng của dư luận xã hội bởi đây là thời điểm nghỉ hè, trẻ nhỏ có thời gian nghỉ ngơi, chơi dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên, không phải cao điểm những tháng nghỉ hè, ở nhiều thời điểm khác trong năm đã và vẫn đang xảy ra những tai nạn đuối nước, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ.
Đã có rất nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ xảy ra. Ngày 29/7/2017, 5 cháu nhỏ ở thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) rủ nhau ra sông Hà Cối tắm. Sau khi bơi được một lúc, ba cháu (gồm hai cháu 8 tuổi và một cháu 9 tuổi) bị đuối nước, hai cháu còn lại chạy về báo người lớn thì đã muộn. Ngày 23/9/2017, hai cháu 4 tuổi và 6 tuổi ở thôn 5, xã Hồng Thái Tây (Đông Triều) đã chết đuối tại hố nước bên quốc lộ 18A thuộc khu Bí Thượng, phường Phương Đông (Uông Bí). Tại Nghệ An, chiều 14/10/2017 hai cháu 3 tuổi và 4 tuổi trú tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương ra chơi ở khu vực ruộng nước. Hai cháu bé ra mép ruộng để rửa chân thì bất ngờ cả 2 cùng trượt chân ngã xuống vũng nước sâu. Khi người lớn phát hiện thì cả hai cháu đã tử vong. Gần đây nhất, ngày 15/10/2017, 5 cháu học sinh (trong đó có hai cháu là anh em ruột) học cấp 1, cấp 2 ở xã Việt Long (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) rủ nhau đi câu cá ở sông Cà Lồ đã bị ngã xuống sông đuối nước. Đến khi người lớn phát hiện sự việc thương tâm thì đã muộn.
Theo thống kê, hàng năm trên cả nước hàng ngàn trẻ em đã tử vong bởi những vụ tai nạn đuối nước. Những vụ tai nạn đuối nước thường để lại hậu quả đau lòng cho các gia đình bởi có những vụ tai nạn đuối nước lấy đi sinh mạng của hai, thậm chí ba con ruột, có những gia đình hiếm muộn, hoàn cảnh khó khăn…
Làm gì để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ? Đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương. Ở mọi nơi, nhất là những nơi có nhiều ao hồ, sông, suối, không chỉ trẻ mà các gia đình cần được tuyên truyền, nhận thức được nguy hiểm đuối nước rình rập xung quanh con mình. Bên cạnh việc nâng cao vai trò trách nhiệm của các bậc cha mẹ và cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cần đặc biệt chú trọng vào công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ. Trước tiên, cần tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ, làm cho mọi trẻ em đến tuổi đi học đều biết bơi. Đây là giải pháp tốt nhất để trang bị cho trẻ khả năng tồn tại trong môi trường nước. Cùng với việc dạy trẻ biết bơi, cần trang bị cho trẻ em cách nhận biết mối nguy ở nơi ao hồ, sông, suối, bãi biển… và trang bị các kỹ năng ứng phó khi xảy ra nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của mình và bạn bè.
Tại nhiều nước trên thế giới, bơi là một trong các môn học đầu tiên không thể thiếu của trẻ. Bơi được coi là một môn thể thao, vận động toàn năng. Học bơi, học thoát hiểm không chỉ để rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ, thể lực và ý chí, bản lĩnh mà còn giúp mỗi người có thể tự cứu mình, thoát hiểm khi gặp những tình huống rủi ro. Nhất là Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng có nhiều sông ngòi, ao hồ, biển đảo nên dạy bơi- dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ là rất cần thiết.
Trong thời gian qua, một số địa phương như Đông Triều, Hạ Long đã tổ chức được nhiều lớp dạy bơi cho trẻ. Tại Đông Triều, nhiều trường học đã xây dựng bể bơi cho học sinh tập bơi. Tại Hạ Long, có những doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, những mô hình này cần được nhân rộng, phát huy hiệu quả hơn nữa.
Mới đây, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản gửi các ngành, địa phương về tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung “chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước”.
Dạy trẻ biết bơi- tại sao không?
Trần Minh