Trong công điện của Thủ tướng Chính phủ về khắc phục hậu quả vụ tai nạn đuối nước tại tỉnh Quảng Ngãi ngày 15-4, làm 9 học sinh bị chết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường công tác quản lý học sinh, thiếu nhi, tổ chức các hoạt động hè an toàn, không để xảy ra tai nạn; trong đó chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội.
Hiện nay tình hình tai nạn, thương tích trẻ em thì tai nạn đuối nước là nghiêm trọng, sau đến là tai nạn giao thông. Trong khi đó, việc dạy bơi cho trẻ chưa được chú trọng đúng mức.
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Thạc sĩ, BS Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã cho biết: Trung bình mỗi năm, có trên 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần so với các nước có thu nhập cao. Tình hình này tại Quảng Ninh, số trẻ em tử vong do đuối nước có chiều hướng gia tăng: Năm 2011 với 8 trẻ; năm 2012 với 39 trẻ; năm 2013 với 34 trẻ; năm 2014 với 38 trẻ; năm 2015 với 41 trẻ.
Để phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ thì trước hết phải dạy cho trẻ biết bơi.
Việc dạy bơi cho học sinh đã được xác định mục tiêu cụ thể tại Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 5-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020. Theo đó, chương trình này đưa ra mục tiêu: 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT, hiện nay chỉ có 12% học sinh tiểu học và 27,5% học sinh THCS biết bơi. Tại hai huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô, tỷ lệ học sinh biết bơi cũng không cao. Tại Vân Đồn, số học sinh biết bơi đạt 7,93% đối với tiểu học, 22,47% đối với học sinh THCS. Tại Cô Tô, số học sinh biết bơi đạt 19,19% đối với tiểu học, 45,7% đối với học sinh THCS.
Khó khăn lớn nhất của việc dạy bơi cho trẻ em là thiếu bể bơi, nơi dạy bơi an toàn. Việc triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ chưa được chú trọng. Đến giải bơi truyền thống của tỉnh là Giải bơi truyền thống vượt sông Bạch Đằng đã qua 42 mùa giải và đã tạm dừng từ năm 2014, do các địa phương, đơn vị không còn mặn mà. Đến các địa phương có biển, các đơn vị, ngành gắn với hoạt động sông nước cũng không tham gia giải.
Ngày 24-6-2015, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục. Tại buổi tiếp xúc này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc đã yêu cầu các nhà trường chú trọng việc dạy bơi cho học sinh. Đồng chí gợi ý, các trường ở TP Hạ Long có thể liên hệ với khách sạn có bể bơi để bố trí việc dạy bơi cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục, các địa phương cần sáng tạo trong việc tổ chức dạy bơi cho trẻ em, nhất là triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em.
Nguyên Đan