Tôi đã từng đọc ở đâu đó, có nhà thơ đã ví Quảng Ninh như thể mảnh đất hình cánh dơi, ý là địa thế núi đồi. Tôi thì vẫn thích hình dung như những cánh cung. Cánh dơi có thể là bay bổng nhưng cánh cung mới có sức căng, có nội lực và có thể vươn xa.

Miền đất của những cánh cung
Là tỉnh miền núi, trung du nằm ở vùng duyên hải, Quảng Ninh có hơn 80% diện tích đất đai là đồi núi. Trong đó, có hơn 2.000 hòn đảo núi đá vôi nổi trên mặt biển. Trong khi nhiều tỉnh đồng bằng diện tích khá hẹp thì vùng đồi núi với bề rộng 195km từ Đông sang Tây và trải dài 102km từ Bắc xuống Nam.
Lần đầu ra Quảng Ninh chơi, tôi cứ thắc mắc nguyên cớ tại sao trong một tỉnh thôi mà lại chia ra làm 2 khu vực miền Đông và miền Tây. Sau này, tôi mới hiểu, thực ra sự phân chia ấy dựa theo núi đồi. Địa hình vùng đồi núi đã tạm chia tỉnh thành 2 miền: Miền Đông (từ Ba Chẽ, Tiên Yên qua Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà đến Móng Cái) và miền Tây (từ Cẩm Phả, trở lại Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều).

Vùng núi miền Đông xuôi thoai thoải ra biển theo hướng chủ đạo là Đông Bắc - Tây Nam. Miền Đông có hai dãy núi chính: Dãy Quảng Nam Châu cao đến 1.507m và Cao Xiêm cao đến 1.330m chiếm phần lớn diện tích tự nhiên các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà, dãy Ngàn Chi (cao 1.166m) ở phía bắc huyện Tiên Yên.
Vùng núi miền Tây từ Ba Chẽ, Hạ Long, phía Bắc Uông Bí và thấp dần xuống ở phía Bắc TP Đông Triều. Vùng núi này là những dãy nối tiếp hơi uốn cong nên thường được gọi là cánh cung núi Đông Triều với đỉnh Yên Tử (cao 1.068m) trên đất Uông Bí và đỉnh Am Váp (cao 1.094m) vùng đất phía Bắc của TP Hạ Long.
Từ TP Hạ Long nhìn ra phía biển là hơn 2.000 quả núi hay đảo đá vôi đã từng phơi nắng phơi sương, trơ gan cùng tuế nguyệt khi kinh qua một quá trình tiến hoá karst hoàn thiện nhất trải qua 20 triệu năm. Mỗi ngọn núi là một câu chuyện huyền thoại hấp dẫn như chuyện tình giữa đá núi cương nghị và nước biển mềm mại bao dung.

Cây mọc nhiều trên núi nên rừng đi liền với núi. Quảng Ninh có 435.932ha thuộc quy hoạch ba loại rừng, với độ che phủ đạt 55%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ bình quân 40% của cả nước. Rừng Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết và bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng còn cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao cho công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu đem đô la về cho đất nước.
Nếu đứng trên đỉnh thiêng Yên Tử mà nhìn ra xa hơn thì Đông Bắc là vùng miền núi rộng lớn đến 48840km2 kéo dài từ thung lũng sông Hồng ra đến Vịnh Bắc Bộ, mà ranh giới phía bắc đồng thời cũng là đường biên giới Việt - Trung. Đông Bắc còn gồm cả tỉnh Quảng Ninh và các đảo thuộc miền duyên hải là một miền núi thấp và trung bình, xen giữa vùng đồi rộng lớn; có những đỉnh núi cao và cao nguyên đá vôi. Theo nhà nghiên cứu Lê Bá Thảo nếu tính từ trung lưu sông Gâm trở ra biển là xứ sở của các cánh cung… Các dãy núi ở đây uốn theo hình vòng cung, lưng lồi ra phía biển.
Sông núi nên duyên
Người sống ven triền núi. Nước cũng chảy theo khe núi mà thành suối thành sông. Vì thế mà mạng lưới sông cũng theo hướng của núi. Trở lại câu chuyện của những cánh cung thì sông Lục Nam chảy quanh vùng đồi An Châu bắt đầu chịu ảnh hưởng của cánh cung Đông Triều.
Trên địa bàn TP Đông Triều, con sông lớn nhất, dài nhất là sông Kỳ mà dân gian xưa nay thường gọi là sông Cầm. Sông Cầm bắt nguồn từ dãy Yên Tử chảy qua các xã phường: Tràng Lương, Bình Khê, Xuân Sơn, Hưng Đạo rồi đổ vào sông Kinh Thầy ở ngã ba Đá Vách, từ đây xuôi dòng xuống sông Đá Bạc đổ nước vào cửa sông Bạch Đằng. Vì cứ men theo núi đồi nên sông Cầm cũng chẳng có hướng nào cố định. Dường như con sông Cầm dùng dằng không chịu về với biển, không muốn chia tay những am tháp, chùa chiền nơi đại ngàn Yên Tử.
Ở Đông Triều còn có ngọn Mễ Sơn nghĩa là núi gạo, dáng hình thoai thoải, đất đai màu mỡ phì nhiêu. Địa hình Mễ Sơn cũng nghiêng theo con sông, hạ dần độ cao từ bắc xuống phía nam theo dòng chảy con nước sông Cầm.
Cánh cung Hạ Long gồm hàng trăm đảo nhỏ ngoài biển, làm giới hạn cho xứ sở các cánh cung ở đây. Thay thế cho sông là những thung lũng cũ bị chìm ngập… Những sông này và cả một mạng lưới sông suối nhỏ dày đặc kèm theo là những con đường thuỷ tự nhiên để đi vào vùng đồng bằng. Các thung lũng giữa núi đồi cũng tạo thành những bãi đất phù sa phì nhiêu, tạo thành những bậc thềm sông và có cảnh quan thoáng hơn. Đây cũng chính là nơi cư dân xây dựng bản làng. Núi và sông hoà quyện mà hình thành những tên đất, tên làng, tên xã, tên huyện. Con người nương theo núi, theo cánh cung Đông Triều nên đặt đổi tên xã An Sinh thành xã Đông Triều từ thế kỷ XIV. Từ tên xã, Đông Triều thành tên lộ, tên huyện, thị xã và bây giờ là tên một thành phố trẻ cửa ngõ phía Tây của tỉnh.

Theo nhà nghiên cứu Lê Bá Thảo, cánh cung Đông Triều gồm hai dãy núi Nam Mẫu và Bình Liêu là phức tạp, có độ cao đáng kể nhất trong vùng. Đấy là cánh cung cuối cùng của vùng Đông Bắc. Nam Mẫu là tên núi nhưng cũng là tên một thôn dưới chân dãy Yên Tử, sau này là tên một mỏ than, một công ty than.
Địa danh Bình Liêu cũng vậy. Trong các thư tịch cổ từ thời Nguyễn trở về trước, không xuất hiện tên gọi Bình Liêu. Theo những nghiên cứu khác nhau, xưa Bình Liêu thuộc châu Tiên Yên, đến năm Khải Định 4 (1929), phủ Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách hai tổng Bình Liêu, Vô Ngại của châu Tiên Yên thành châu Bình Liêu thuộc phủ Hải Ninh. Bình Liêu từ tên châu rồi thành tên một huyện biên giới thuộc tỉnh. Đồng thời, Bình Liêu cũng nằm trong hệ sinh thái tự nhiên vùng Đông Bắc. Chính vì vậy, nó mang những đặc điểm địa lý chung của toàn vùng về sơn văn, thủy văn và điều kiện khí hậu. Tuy nhiên, vì nằm sát biên giới Trung Hoa, nên về cơ bản nó thuộc các khối cao nguyên - vùng cao có phong cảnh đẹp, không khí mát mẻ, trong lành.
Các đỉnh núi lớn cao từ 1300-1500m so với những đồi đất bao quanh chỉ thấp sàn 400-500m… Giữa hai dãy núi Nam Mẫu và Bình Liêu là một vùng đồi đá phiến cao sàn sàn 200-300m có khi lên đến 500m. Cụ thể là, Bình Liêu có diện tích tự nhiên khoảng 47.138ha và có hai ngọn chủ sơn là Cao Xiêm (cao 1330m), Cao Ba Lanh (cao 1050m), vùng đất này cũng chính là thượng nguồn của dòng sông Tiên Yên.
Chảy từ đỉnh Cao Ba Lanh, con sông Tiên Yên như bản tình ca, là đứa con của núi rừng, đứa con của mảnh đất đầy mới mẻ và thử thách, mới từ địa hình địa mạo. Phía Bắc là vùng đồi núi trùng điệp là đoạn cuối của Cánh cung Đông Triều. Phía Đông Tiên Yên là dãy Thông Châu và Pạc Sủi ngàn năm róc rách tiếng suối reo. Dưới chân Pạc Sủi thơm ngát hương quế, hồ Khe Táu trữ tình là thung lũng Đại Dực với những bản làng người Sán Chỉ. Người Sán Chỉ ở trên đỉnh Thông Châu mê hát soóng cọ. Tiếng hát như suối róc rách dưới thung lũng, như cây rừng xào xạc trên đỉnh Thông Châu.
Cũng ở miền Đông, sông Tài Chi và sông Hà Cối (người địa phương còn gọi là sông Hà) là hai con sông lớn nhất chảy qua huyện Hải Hà. Sông Hà Cối khởi nguồn từ vùng núi cao trên 500m thuộc dãy Quảng Nam Châu. Tấn Mài không chỉ là ngọn nguồn của dòng sông Hà Cối mà còn là vùng trầm tích văn hoá với di chỉ khảo cổ học đặc sắc ở Quảng Ninh.
Núi rừng sông suối đã tạo cho Quảng Ninh những bức tranh thuỷ mặc, sơn thuỷ hữu tình. Dáng sông thế núi đã hình thành nên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, là nóc nhà, nơi cư ngụ và là niềm tự hào cho mỗi con người Quảng Ninh.