Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với các giá trị nổi bật, đặc sắc về cảnh quan, địa chất địa mạo, đa dạng sinh học được cả thế giới biết đến. Hằng năm nơi đây đã đón hàng triệu lượt du khách cả trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long còn là không gian, môi trường thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội mang lại lợi ích, giá trị gia tăng cao cho con người và xã hội...
Để phát huy những giá trị đặc biệt đó, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành quyết định (số 2633/QĐ-UBND) về việc phê duyệt kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, giai đoạn 2017-2021. Kế hoạch nhằm mục đích phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức hội, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân triển khai việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Trong đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch gắn với các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến Vịnh Hạ Long, đảm bảo đúng mục đích, phương pháp tiếp cận quản lý tổng hợp, toàn diện Di sản để không chỉ quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của Vịnh Hạ Long, mà còn kiểm soát các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực Vịnh Hạ Long, từng bước giải quyết sức ép từ sự phát triển đa ngành, dân cư, du lịch ảnh hưởng tới Di sản; đảm bảo phát triển hài hoà giữa bảo tồn và phát huy, khai thác giá trị của Di sản, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong tình hình mới.
Các hạng mục quản lý bao gồm: Giá trị cảnh quan thiên nhiên, giá trị thẩm mỹ; giá trị địa chất, địa mạo; giá trị đa dạng sinh học; giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, di chỉ khảo cổ học cùng các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên Vịnh Hạ Long...
Vịnh Hạ Long như là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người và vùng đất Quảng Ninh. Nhờ có những giá trị độc đáo, đa dạng mà Vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và cách đây không lâu cũng đã được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới...
Mặc dù chứa đựng trong mình nhiều giá trị và danh hiệu như vậy, song việc bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị của Di sản Vịnh Hạ Long trong nhiều năm qua còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với các giá trị của Di sản. Cụ thể là mới chú ý phát huy, khai thác các giá trị thô, bề nổi của Di sản như cảnh quan, hệ thống hang động mà chưa có sự đầu tư chiều sâu và nhiều cho các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Do vậy thời gian lưu trú, tham quan của du khách ngắn. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trên Vịnh còn làm ảnh hưởng, có những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái của Vịnh. Đặc biệt là việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải ở các khu vực ven bờ còn nhiều bất cập, chưa triệt để. Hoạt động khai thác khoáng sản; phát triển, mở rộng không gian đô thị, các dự án phát triển hạ tầng cũng gây ra những hệ luỵ không tốt cho môi trường, hệ sinh thái của Vịnh...
Những mâu thuẫn, sức ép giữa việc gìn giữ, bảo tồn và khai thác, phát huy các giá trị của Di sản đã được Quảng Ninh nhận diện rõ và thực tế trong những năm qua, tỉnh, các ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp, cách thức để khắc phục, hạn chế các tác động, mâu thuẫn trên. Và việc UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, giai đoạn 2017-2021 cũng là nhằm mục đích đảm bảo cho sự phát triển hài hoà của Vịnh Hạ Long. Trong đó chú trọng công tác quản lý phải gắn kết với các quy hoạch chuyên ngành liên quan đến Vịnh Hạ Long, để không chỉ quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của Di sản, mà còn kiểm soát tốt các hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực Vịnh, từng bước giải quyết các sức ép đối với Di sản. Từ đó đảm bảo cho sự phát triển hài hoà giữa bảo tồn và phát huy, khai thác tốt các giá trị của Di sản...
Kỳ vọng, với kế hoạch này, trong thời gian tới Vịnh Hạ Long sẽ được quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tương xứng với những giá trị vốn có của Di sản...
Thanh Tùng