Bắt đầu từ ngày 1/4, cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên phạm vi toàn quốc chính thức được bắt đầu. Theo kế hoạch, cuộc tổng điều tra này diễn ra trong 25 ngày.
Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm nay nhằm thu thập những thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số, nhà ở trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Những nội dung được tập trung đánh giá, điều tra, thống kê gồm: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh - chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động, việc làm; thực trạng nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư... Những thông tin này có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; đồng thời phục vụ công tác giám sát thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; ngoài ra còn cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số...
Để chuẩn bị tốt cho cuộc tổng điều tra này, Ban Chỉ đạo Trung ương và của các địa phương từ rất sớm đã quán triệt và triển khai các nội dung, yêu cầu của cuộc tổng điều tra, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn các bước, nội dung của cuộc tổng điều tra, nhất là những phương pháp, cách thức, kỹ thuật mới trong thực hiện tổng điều tra...
Với tầm quan trọng của công tác này, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan và địa phương huy động hơn 9.000 giám sát viên các cấp và khoảng 110.000 điều tra viên thống kê, tổ trưởng điều tra phục vụ cho cuộc tổng điều tra...
Tổng điều tra dân số và nhà ở là việc làm không mới và được thực hiện theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt, các số liệu, dữ liệu thu được đảm bảo đầy đủ, chính xác là việc không hề đơn giản, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, tránh được tình trạng điều tra một cách hình thức, chiếu lệ là rất quan trọng. Vì vậy, trong cuộc tổng điều tra này các cấp, các ngành, nhất là cơ quan chức năng, chuyên trách cần phải đảm bảo việc tiếp cận, cung cấp thông tin của các hộ gia đình và người dân thật chính xác, đúng đủ. Để làm tốt điều này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để toàn dân ý thức được ý nghĩa của cuộc tổng điều tra, cần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của lực lượng giám sát viên, điều tra viên đối với chất lượng của cuộc tổng điều tra...
Tương lai phát triển của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào những thông tin, số liệu của cuộc tổng điều tra. Do vậy, mọi người dân cũng như từng hộ gia đình cần xác định rõ trách nhiệm cũng như những quyền lợi sát sườn của mình để tham gia vào cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm nay đạt kết quả, chất lượng cao nhất...
Thanh Tùng