Cách đây 56 năm, ngày 10-8-1961, trận mưa hoá chất đầu tiên của quân đội Mỹ đã trút xuống bản Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum), khởi đầu cho một thảm hoạ chiến tranh mà đến hôm nay vẫn chưa giải quyết hết hậu quả. Năm 2004, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra quyết định lấy ngày 10-8 hằng năm là Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Theo điều tra, tổng hợp của Trung tâm Nghiên cứu Trường đại học Colombia (Mỹ) về con người, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học xuống miền Nam Việt Nam, làm hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm. Trong 10 năm, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hoá học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3,06 triệu ha (bằng gần bằng 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam), trong đó có 44 triệu lít da cam/dioxin loại 2,4D và 2,4,5-T. Có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần...
Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khoẻ con người, cho đến cả hôm nay. Các viện sĩ Viện Hàn lâm y học Hoa Kỳ đã thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Thảm hoạ da cam khiến hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư, đột biến gen, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản, di truyền qua nhiều thế hệ. Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và 2.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.
Quảng Ninh đã từng có câu chuyện, có cựu chiến binh nọ nhiễm chất độc da cam, di truyền cho 2 con bị dị tật. Bấy giờ người ta còn chưa biết thông tin về chất độc da cam nên xì xào, gièm pha. Người vợ không chịu được áp lực đã bỏ đi nhưng vì tình mẫu tử, sau đó chị đã quay về. Đó là minh chứng cho những nỗi đau không kể xiết phía sau cuộc chiến, mà hậu quả từ chất độc da cam để lại.
Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh, toàn tỉnh có trên 9.000 người bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học. 10 năm qua (2007-2017), tổng các nguồn lực Hội đã vận động xã hội bằng tiền và hiện vật để hỗ trợ các hội viên là 40,5 tỷ đồng. Trong đó, đã có 50.000 lượt hội viên được tặng quà, trợ cấp khó khăn, 3.800 lượt hội viên được khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, gần 500 hội viên được hỗ trợ kinh phí nâng cấp nhà ở... Hàng năm, các cấp uỷ, chính quyền, tổ chức, đoàn thể đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam. Trung tâm Giải độc tố và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Ninh, được đưa vào hoạt động từ tháng 8-2016, đến nay đã giải độc được cho 125 nạn nhân. Hội chữ thập đỏ các cấp vào các dịp Tết Nguyên đán đều có các hoạt động tặng quà nạn nhân chất độc da cam. Đảng uỷ Than Quảng Ninh nhận giúp đỡ lâu dài 60 gia đình nạn nhân với 80 đối tượng, Tổng Công ty Đông Bắc, Hội Từ thiện Đồng Tâm, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Uông Bí, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm... mỗi nơi nhận giúp đỡ hàng chục nạn nhân da cam và các tổ chức, cá nhân khác.
Từ những điển hình trên, mỗi tổ chức, cá nhân hãy bằng những hành động thiết thực chia sẻ khó khăn, động viên tinh thần bản thân cũng như gia đình các nạn nhân chất độc da cam. Đó cũng chính là cách chúng ta thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân với những người có công với cách mạng.
Trần Minh