Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những đơn vị, cơ sở, cá nhân vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, mới đây, ngành y tế tỉnh lần đầu tiên đã công khai 10 cá nhân, cơ sở vi phạm có mức độ và nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người tiêu dùng.
Trong số 10 cá nhân, cơ sở vi phạm bị công bố lần đầu tiên này có 6 cá nhân kinh doanh thực phẩm trái phép; 2 cá nhân vận chuyển thực phẩm tươi sống không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc; 2 cơ sở kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Các cá nhân, cơ sở này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng...
Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế Quảng Ninh) thì các cá nhân, cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị nêu đích danh, địa chỉ và kèm theo thông tin về phương tiện (nếu có) được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm...
Việc công khai các cá nhân, cơ sở, đơn vị vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng và mọi người dân đều biết, có tác dụng răn đe, giáo dục, ngăn chặn thực phẩm “bẩn” rất cao. Thực tế cho thấy, khi bị nêu tên, địa chỉ, nhãn hàng của các cơ sở, cá nhân vi phạm cho đông đảo người dân biết, họ sẽ cảnh giác và tẩy chay không mua, không sử dụng các sản phẩm “bẩn” đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở, điểm kinh doanh vi phạm đó có thể bị sập tiệm, phá sản - vấn đề bất cứ cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh nào cũng phải quan tâm. Về phía người tiêu dùng cũng sẽ cảnh giác, tránh xa các thực phẩm này để giữ gìn, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình...
Vấn đề thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn từ nhiều năm nay đã trở thành chủ đề “nóng” trong phạm vi toàn quốc, thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý. Tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức tràn lan, đã đến mức báo động và đã trở thành vấn nạn trong xã hội. Các vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra, trong đó có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người; địa bàn xảy ra từ thành thị cho đến nông thôn, từ miền xuôi cho đến miền ngược; từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cho đến các bếp ăn tập thể quy mô lớn. Giờ đây trên thị trường không khó để phát hiện, nhận ra các thực phẩm không đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Điều đáng lo ngại này người dân và các cơ quan quản lý đều biết và cũng đã rất nỗ lực trong chỉ đạo, triển khai các biện pháp, cách thức ngăn chặn, đẩy lùi. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại vẫn chưa được như mong muốn, một phần vì công tác quản lý chưa được chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe; phần khác do lợi nhuận trước mắt mang lại lớn nên các cá nhân, cơ sở vẫn cố tình vi phạm...
Vì vậy rất cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Và việc công khai các cá nhân, cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hy vọng sẽ góp thêm cách thức, giải pháp để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” đạt hiệu quả cao hơn...
Thanh Tùng