Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về “phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 06) đã tạo động lực mạnh mẽ cho huyện đảo Cô Tô đã phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Trước đây, Cô Tô đối mặt với nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng như thiếu điện, nước sạch và giao thông đi lại khó khăn. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Nghị quyết 06, huyện đảo đã đầu tư xây dựng hệ thống điện, nước sinh hoạt và giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và phát triển kinh tế. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trực tiếp thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia trong 5 năm từ 2021 - 2025 đạt hơn 259,5 tỷ đồng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể. 100% các tuyến đường trên địa bàn huyện được chỉnh trang, nâng cấp, nhựa hoá, bê tông hoá thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân. Đến năm 2022, 10/10 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1 và đến năm 2024, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt tiêu chuẩn với trên 60 giường bệnh; 3/3 Trạm Y tế xã, thị trấn đạt chuẩn, có trang thiết bị đạt tiêu chuẩn khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở. Tỷ lệ quản lý sức khỏe toàn dân bằng hồ sơ điện tử đạt 100%. Cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống Nhà văn hóa Trung tâm huyện, xã và Nhà văn hóa các thôn, khu được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, đảm bảo 100% thôn, khu có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng đáp ứng các tiêu chí quy định; 100% thôn, khu đã có điểm truy cập Internet và thư viện dùng chung; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Trên địa bàn huyện có 6 hồ chứa nước với 4 hệ thống trạm xử lý nước, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và du khách.

Đặc biệt, bước phát triển đột phá của Cô Tô sau 5 năm triển khai Nghị quyết 06 chính là tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Từ một huyện đảo có nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác thủy sản nhỏ lẻ và dịch vụ tự phát, Cô Tô đã từng bước định hình cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thủy sản - nông nghiệp, với trọng tâm là phát triển bền vững và kinh tế xanh.
Cô Tô xác định phát triển bền vững thủy sản là xương sống trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó: Đẩy mạnh phát triển nuôi biển và hoạt động chế biến thủy sản. Đến hết năm 2024, diện tích nuôi trồng thuỷ sản tập trung toàn huyện hiện đạt 69,1 ha, sản lượng đạt 350 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 35 tỷ đồng/năm, với 2 nhóm đối tượng nuôi chủ lực là nhuyễn thể: ốc đá, ốc màu, ngao, thưng, tu hài… và cá lồng bè: Cá song, hồng mỹ, cá giò, …; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 42 hộ gia đình/cơ sở nuôi. Toàn huyện có 9 mô hình liên kết sản xuất, chế biến thuỷ sản theo chuỗi giá trị, đảm bảo ATTP. Tính đến nay, huyện Cô Tô có 66 sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt 3 sao, 4 sản phẩm đạt 4 sao. Trong quý 1/2025, sản lượng khai thác thuỷ sản toàn huyện đạt hơn 1.550 tấn, đạt 27,63% kế hoạch năm; sản lượng chế biến sứa biển đạt hơn 140.000 thùng.

Cô Tô đã đầu tư mạnh vào hạ tầng du lịch như hệ thống giao thông nội đảo, bến cảng, bãi tắm, cơ sở lưu trú và dịch vụ vui chơi giải trí. Huyện đặc biệt chú trọng đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng, ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến và truyền thông du lịch Cô Tô, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Số lượng khách du lịch đến Cô Tô tăng mạnh. Trong giai đoạn 2021-2025, Cô Tô đón hơn 873,6 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5.651 lượt khách; doanh thu ước đạt trên 2.000 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm nay, đã có hơn 7.800 lượt khách du lịch đến Cô Tô, doanh thu đạt hơn 23,4 tỷ đồng.

Cô Tô là huyện đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Huyện đã tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ chủ quyền biển đảo được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức của người dân về nhiệm vụ thiêng liêng này.
Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội là minh chứng rõ nét cho sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và sự nỗ lực của người dân huyện đảo Cô Tô trong thực hiện Nghị quyết 06. Thời gian tới, Cô Tô tiếp tục tập trung phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa và sinh thái biển đảo; xây dựng Cô Tô phát triển bền vững, giàu mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng và an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.