Với lợi thế có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Trung Quốc trải dài, nhiều cửa khẩu thông thương, giao lưu hàng hóa, đây là sự thuận lợi vô cùng lớn để Quảng Ninh phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Có thể nói, Trung Quốc là thị trường rất lớn và thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Tuy nhiên, nước bạn cũng có những quy định, tiêu chuẩn hết sức khắt khe đối với các mặt hàng được phép nhập khẩu, đặc biệt là hàng nông, lâm, thủy sản. Để có thể xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, thời gian qua, Quảng Ninh đã nỗ lực để thay đổi, đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường hơn 1 tỷ dân này đề ra.
Một tin vui cho người nông dân Quảng Ninh là theo danh sách mới nhất của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Quảng Ninh chính thức có 14 vùng trồng trọt, 3 cơ sở đóng gói được nước bạn Trung Quốc cấp mã đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.
Cụ thể, có 7 vùng trồng vải ở Đông Triều, Uông Bí; 4 vùng trồng thanh long ở Móng Cái, Uông Bí; 3 vùng trồng nhãn ở Đông Triều; 3 cơ sở đóng gói ở Móng Cái, Uông Bí.
Việc có những vùng trồng trọt, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch là một tín hiệu rất đáng mừng cho người nông dân trong tỉnh. Bởi đây đều là những nông sản chủ lực của Quảng Ninh, hằng năm có sản lượng khá lớn, nếu không được tiêu thụ kịp thời, xuất khẩu theo đường chính ngạch thì giá thành sẽ bị sụt giảm.
Không chỉ có thanh long, nhãn, vải… có cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mà thời gian vừa qua, với sự vào cuộc của ngành, cơ quan chức năng, sự nỗ lực của các doanh nghiệp thủy sản, Quảng Ninh đã có thêm 4 doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là thông tin vừa được Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) đưa ra. Qua đó, nâng tổng số các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Quảng Ninh đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lên 9 doanh nghiệp.
Đây có lẽ là tin vui cho người nông dân trong tỉnh, bởi việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một kênh tiêu thụ ổn định, giúp người dân không phải rơi vào tình trạng được mùa thì mất giá.
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, những năm qua, lĩnh vực này chưa phát huy được thế mạnh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh cũng ở một mức độ nhất định, trong khi tiềm năng là rất lớn. Nhận thức rõ những yếu điểm, thời gian qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh đã tạo ra nhiều sự đổi thay trong khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát huy những tiềm năng, thế mạnh trong phát triển sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP.
Hiện tỉnh có 168 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP. Năm 2019, Quảng Ninh có 422 sản phẩm OCOP, trong đó có 196 sản phẩm đạt sao theo Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP của tỉnh. Các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất OCOP đã tạo việc làm cho gần 3.000 lao động, cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Tuy các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung, OCOP nói riêng của Quảng Ninh là rất lớn, nhưng số lượng có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại rất ít. Đây là bài toán cần được các ngành, cơ quan liên quan của tỉnh tính đến, để mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là cho những sản phẩm OCOP.
Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh đang chú trọng phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, đảm bảo VSATTP, tiêu chuẩn, quy định quốc tế, cùng với đó phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương, đưa nông dân, sản phẩm nông nghiệp chủ động hội nhập, tiếp cận thị trường quốc tế. Hi vọng rằng, với những cách làm hay, quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, sự chủ động vào cuộc của doanh nghiệp, người nông dân, thì các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Quảng Ninh dần đáp ứng được thị trường trong và người nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Thái Bình