Dù không may mất đi một phần cơ thể, nhiều người khuyết tật vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên mỗi ngày, vượt qua những giới hạn về thể chất để làm chủ cuộc sống của chính mình. Hành trình ấy chưa bao giờ dễ dàng, nhưng bằng ý chí sắt đá và khát vọng sống mãnh liệt, họ đã từng bước vượt qua nghịch cảnh. Không chỉ sống có ích, họ còn trở thành những “ngọn lửa” truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa tinh thần sống tích cực, thắp lên niềm tin và hy vọng cho những người xung quanh.
Vượt lên số phận, thắp sáng nghị lực sống
Cuối tháng 2 vừa qua, Hoàng Minh Sơn (SN 1998), chàng trai đến từ xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, vinh dự là 1 trong 30 thanh niên tiêu biểu toàn tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” giai đoạn 2023-2025. Có lẽ với nhiều người, danh hiệu ấy là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực không ngừng nghỉ, còn với Minh Sơn - một thanh niên khuyết tật thì đó còn là minh chứng cho hành trình nỗ lực đầy tự hào vượt lên số phận, vượt qua nghịch cảnh để khẳng định chính mình.

Minh Sơn từng là một chàng trai khỏe mạnh, hoạt bát, mang trong mình bao hoài bão của tuổi trẻ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Sơn trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, háo hức chờ ngày lên đường nhập ngũ. Thế nhưng, một tai nạn nghiệt ngã xảy đến đã cướp đi của anh hai cánh tay và một chân. Khi cánh cửa cuộc đời vừa kịp mở ra thì cũng vội vàng khép lại trước mắt Sơn. Suốt một thời gian dài sau tai nạn, Sơn gần như thu mình hoàn toàn, sống trong lặng lẽ, mặc cảm, tủi thân và đánh mất cả niềm tin vào chính mình.
Hai năm sau biến cố, nỗi đau lại thêm chồng chất khi bố Sơn đột ngột qua đời vì tai biến. Bao nhọc nhằn, vất vả, mẹ Sơn phải gồng gánh trên đôi vai nhỏ bé khi vừa đi làm thuê nuôi con gái ăn học, vừa kiên cường chăm sóc con trai khuyết tật. “Chính hình ảnh mẹ lam lũ, tần tảo nhưng chưa một lời than vãn, đã đánh thức nghị lực sống trong tôi. Từ một người từng khước từ cuộc sống, tôi bắt đầu tập làm quen với cơ thể không còn nguyên vẹn. Từng chút một, học cách tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân. Từ những bước đầu chập chững đó, tôi bắt đầu ấp ủ ước mơ lập nghiệp, tìm kiếm một công việc để nuôi sống bản thân cũng như đỡ đần cho mẹ” - Sơn trải lòng.

Niềm đam mê với công nghệ thông tin chính là cánh cửa hy vọng giúp Sơn tìm lại giá trị bản thân. Anh mày mò tự học các phần mềm thiết kế, chỉnh sửa ảnh, phối màu nội thất trên máy tính. Sau gần một năm kiên trì, giờ đây, anh đã có thể thiết kế bản vẽ nội thất, phối màu sơn cho các công trình xây dựng và làm cộng tác viên cho một xưởng cơ khí, với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Dù khiêm tốn nhưng với Sơn, đó không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm tự hào vì bản thân có thể tự lập, được sống với đam mê và quan trọng nhất khi không còn là gánh nặng của gia đình.
Minh Sơn tâm sự: “Tôi đã từng mặc cảm, từng buông xuôi, từng nghĩ mình sẽ không thể sống tiếp. Nhưng rồi tôi hiểu rằng nếu không tự cứu lấy mình, thì sẽ chẳng ai có thể làm điều đó thay mình. Đừng bao giờ từ bỏ bởi dù cuộc đời có lấy đi điều gì thì bạn vẫn còn quyền lựa chọn cách sống mạnh mẽ và đầy yêu thương”.
Sống như những đóa hoa
Chỉ cần gõ cụm từ khóa “Tuấn tình cảm”, mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt video trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một chàng trai luôn nở nụ cười rạng rỡ, hóm hỉnh và tràn đầy năng lượng tích cực. Thế nhưng, ít ai biết rằng, để có được hình ảnh lạc quan ấy, anh Đặng Minh Tuấn (SN 1988), trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, đã phải vượt qua một hành trình đầy đau đớn và thử thách sau vụ tai nạn “thập tử nhất sinh”, khiến anh bị thương tật đến 95%, chỉ còn duy nhất một ngón tay có thể cử động.

Quay ngược về quãng thời gian gần 20 năm trước, không ai nghĩ rằng Tuấn có thể hồi phục, chứ chưa nói đến việc ngồi vững trên xe lăn hay trò chuyện rõ ràng, rành mạch như hiện tại. Nhưng bằng ý chí phi thường và trên hết là tình yêu thương vô bờ bến từ cha mẹ, những người đã luôn sát cánh, nâng đỡ từng bước đi, từng hơi thở của con trai, Tuấn bắt đầu hành trình hồi sinh. Anh tự học vi tính, tìm kiếm công việc phù hợp, kiên trì làm việc và truyền cảm hứng tích cực đến mọi người xung quanh. Từ năm 2016 đến nay, Tuấn đảm nhiệm vị trí trợ lý tại một công ty đào tạo marketing online ở Hà Nội, phụ trách chăm sóc và hỗ trợ học viên. Công việc không chỉ giúp anh ổn định cuộc sống mà còn mở ra cánh cửa kết nối với cộng đồng.
Không dừng lại ở những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, Minh Tuấn còn dùng chính câu chuyện đời mình để lan tỏa cảm hứng sống mạnh mẽ đến cộng đồng. Thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube…, anh thường xuyên chia sẻ về hành trình phục hồi đầy gian nan, kinh nghiệm tập luyện, giữ vững tinh thần của mình... Mỗi ngày trôi qua, Tuấn chọn cách sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, như một đóa hướng dương luôn kiêu hãnh vươn mình về phía mặt trời. Và từ chính ánh sáng ấy, anh tiếp tục gieo những hạt giống hy vọng, truyền đi nghị lực sống cho nhiều người khuyết tật và cả những ai đang cảm thấy chênh vênh giữa cuộc sống.

Ngoài công nghệ, âm nhạc cũng là một đam mê lớn của Tuấn. Âm nhạc mang đến cho anh sự cân bằng cảm xúc, là nơi để anh gửi gắm tâm hồn và tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Thỉnh thoảng, trên mạng xã hội, Tuấn lại đăng tải những ca khúc do chính anh sáng tác và thể hiện. Giọng hát khỏe khoắn, truyền cảm khiến người nghe không thể tin rằng chủ nhân của nó là một người khuyết tật, nếu không nhìn vào màn hình. “Cháy trong tôi những nghị lực từng ngày và cháy trong tôi bao khát khao về ngày mai. Cháy trong tôi những niềm tin về cuộc đời và cháy trong tôi bao niềm đam mê mới…” - lời bài hát “Cháy trong tôi” do anh sáng tác như lời nhắn gửi tha thiết của Đặng Minh Tuấn đến những mảnh đời kém may mắn.
Gieo yêu thương từ những bước chân không trọn vẹn
Phạm Thiên Trang (SN 1992) từng là một cô gái lành lặn như bao người khác. Thế nhưng, biến cố ập đến từ một tai nạn giao thông nghiêm trọng vào năm 2017 đã khiến cuộc đời chị rẽ sang một hướng khác khi buộc phải cắt bỏ hoàn toàn chân phải để giữ lấy sự sống. Mất mát ấy không chỉ là nỗi đau thể xác, mà còn là thử thách khắc nghiệt về tinh thần. Thay vì gục ngã, chị Trang đã mạnh mẽ đứng dậy, coi đó là cơ hội để tôi luyện bản thân, để sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Không chỉ dừng lại ở việc tự chăm lo cho cuộc sống của mình, cố gắng tiếp tục công việc tại Phân xưởng Cơ khí - Lắp máy - Xây dựng (Công ty Môi trường - TKV) tạo thu nhập ổn định, không làm gánh nặng cho gia đình, chị Trang còn dành trọn trái tim cho các hoạt động thiện nguyện trong suốt gần 10 năm qua. Bản thân là người khuyết tật, chị Trang thấu hiểu sâu sắc những khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần mà nhiều người kém may mắn hơn đang trải qua. Chính vì thế, không chỉ trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện mà chị còn là cầu nối tin cậy, kết nối những tấm lòng nhân ái để cùng sẻ chia, giúp đỡ, thắp sáng niềm tin và nghị lực cho những mảnh đời bất hạnh.
Từ những chuyến đi đến vùng sâu, vùng xa, từ những phần quà nhỏ bé đến những công trình lớn mang tính cộng đồng, chị Trang đều góp mặt với vai trò người kết nối và truyền cảm hứng. Các hoạt động thiện nguyện mà chị thực hiện hoặc kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ rất đa dạng, như: Tặng quà cho trẻ em nghèo; hỗ trợ viện phí, mai táng cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; xây nhà tình thương, điểm trường cho vùng khó khăn… Mỗi năm, chị Trang vận động tổ chức các chương trình với tổng kinh phí từ 300 đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, Thiên Trang còn tích cực tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo, là thành viên của CLB Giọt máu hồng đất mỏ.
“Có những chuyến đi rất vất vả nhưng khi đến nơi, thấy sự chào đón của mọi người, nhìn ánh mắt biết ơn và nụ cười hạnh phúc của họ, mọi mệt nhọc trong tôi đều tan biến. Đó là động lực tiếp thêm năng lượng để tôi tiếp tục vững bước trên hành trình gieo yêu thương này” - chị Trang chia sẻ.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ vì cộng đồng, chị Phạm Thiên Trang đã vinh dự là 1 trong 10 cá nhân nhận “Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2023” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Cùng năm, chị được Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam vinh danh là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt 2023” và được Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tuyên dương là gương mặt trẻ tiêu biểu. Tuy nhiên, với chị Trang, phần thưởng lớn nhất không nằm ở danh hiệu mà chính là tình yêu thương ngày một lớn thêm, không ngừng được lan tỏa trong mỗi hành trình thiện nguyện.
Bàn tay có thể không còn lành lặn, đôi chân có thể không còn vẹn nguyên nhưng Hoàng Minh Sơn, Đặng Minh Tuấn hay Phạm Thiên Trang và nhiều thanh niên khuyết tật khác vẫn đang ngày ngày nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Họ không chỉ tạo dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp, độc lập và đầy tự trọng mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc đến cộng đồng. Bằng trái tim quả cảm và ý chí không khuất phục, họ đã chứng minh khi con người biết sống vì những điều tốt đẹp thì mọi giới hạn đều có thể vượt qua.