Mục tiêu quan trọng về cải cách hành chính năm 2017 của Quảng Ninh là 100% thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện và liên thông tới 186 xã, phường, thị trấn.
Tính đến 31-3-2017, sau khi tiến hành rà soát, tổng số TTHC ở cả 3 cấp chính quyền của tỉnh là 1.552 TTHC. Trong đó, cấp tỉnh 1.209 TTHC, cấp huyện 256 TTHC, cấp xã 87 TTHC.
Tính đến nay số TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh đạt tỷ lệ 92,47% (hiện còn 91 TTHC do đặc thù chưa đưa vào giải quyết). 14/14 Trung tâm Hành chính công cấp huyện đã đưa 100% TTHC vào giải quyết. Về số lượng dịch vụ công trực tuyến, cấp tỉnh đã có 768 TTHC cấp độ 3 và 25 TTHC cấp độ 4; cấp huyện có 186 TTHC cấp độ 3; cấp xã có 56 TTHC cấp độ 3.
Kết quả 3 tháng đầu năm nay về giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, cấp tỉnh 99,99% đúng hẹn, cấp huyện 96,07% đúng hẹn, cấp xã 99,35% đúng hẹn.
Những kết quả trên cho thấy nỗ lực của Quảng Ninh trong cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tại một báo cáo của UBND tỉnh đã đánh giá: Một trong những tồn tại, hạn chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình giải quyết hồ sơ cho cá nhân, tổ chức chưa chặt chẽ; chưa có sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số ngành dẫn đến hiệu quả chưa cao. Một số TTHC quy định tại các văn bản pháp luật còn phức tạp về trình tự, các bước giải quyết. Có những TTHC thuộc thẩm quyền của nhiều cấp, ngành phê duyệt hoặc phải xin ý kiến của nhiều cơ quan dẫn đến khó phân cấp, uỷ quyền cho cán bộ giải quyết tại Trung tâm Hành chính công.
Việc đưa 100% TTHC vào giải quyết tại các Trung tâm Hành chính công sẽ là mốc quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính của Quảng Ninh. Tuy nhiên việc khó khăn hơn là tìm ra cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết TTHC, sao cho trình tự và các bước giải quyết TTHC được tối ưu hoá, thống nhất.
Hiện nay tâm lý chung khi giải quyết công việc vẫn thích “trực tiếp”, giao dịch trực tiếp, giải quyết TTHC trực tiếp. Tâm lý chung này đang là cản trở khi chúng ta triển khai dịch vụ công trực tuyến. Cũng còn có không ít cán bộ, công chức, viên chức ngại giải quyết công việc trực tuyến, vì không còn cơ hội để “hành” người đến giao dịch...
Muốn dịch vụ công trực tuyến hiệu quả thì phải thông “tuyến”, nghĩa là phần mềm giải quyết TTHC của hệ thống này phải tương thích với hệ thống kia, khai thác hiệu quả dữ liệu dùng chung. Và đây chính là “chìa khoá” để “mở cửa” liên thông trong trách nhiệm giải quyết TTHC giữa các cơ quan hành chính nhà nước.
Nguyên Đan