21
3
Xã hội/
/xa-hoi
2940387
1101184
Gắn đào tạo với giải quyết việc làm
chuyen-de-nang-cao-chat-luong-dao-tao-o-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Gắn đào tạo với giải quyết việc làm

Một trong khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra là: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

Một trong khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra là: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%... Bởi vậy, việc nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được tỉnh chú trọng.

Sinh viên thực hành sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt- Hàn. Thu Trang.
Sinh viên thực hành sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn Quảng Ninh. Ảnh: Thu Trang

Đa dạng các hình thức thu hút

Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) thành lập, đi vào hoạt động từ năm 1962. Hằng năm, trường đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho trên 700 học sinh, sinh viên ở các ngành nghề khác nhau. Theo thầy Phan Thanh Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, để thu hút học sinh, trường đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong công tác tuyển sinh trên các trang mạng; trực tiếp đến các tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc với các trường THCS, THPT, gia đình, học sinh, để tư vấn học nghề và tuyển sinh. Khi có học sinh ở các tỉnh khác đăng ký theo học, nhà trường chủ động bố trí người đón học sinh về học tập. Đồng thời, liên kết với một số doanh nghiệp để vừa là cơ sở cho học sinh thực tập, vừa là nơi tạo việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường. Khoảng 80% học sinh, sinh viên của trường đã có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN; trong đó có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác nhau. Trước khó khăn chung của các cơ sở GDNN trong cả nước về vấn đề tuyển sinh, không chỉ Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đều chủ động áp dụng đa dạng những hình thức tuyển sinh, như: Đăng tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của đơn vị; phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể, tổ chức tuyển sinh... Các cơ sở GDNN còn trực tiếp tuyên truyền tại các cuộc họp của thôn, bản, khu phố, các trường học. Nhiều trường còn chủ động tổ chức đón học sinh nhập học, bố trí chỗ ở cho học sinh, sinh viên.

Đào tạo nghề xây dựng tại Trường Cao đẳng nghề xây dựng, phường Nam Khê, TP Uông Bí.
Đào tạo nghề xây dựng tại Trường Cao đẳng nghề xây dựng, phường Nam Khê, TP Uông Bí.

Về phía các địa phương, sở, ngành cũng tạo mọi điều kiện cho các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh, như: Thông tin tuyên truyền về đào tạo nghề, thông báo chương trình tuyển sinh của các trường, xu hướng lựa chọn lao động của các doanh nghiệp... để người dân lựa chọn theo học nghề phù hợp.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh được 14.640 học sinh, sinh viên. Trong đó, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tuyển sinh được 8.196 học sinh.

Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các cơ sở GDNN không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Đến nay, các cơ sở này có gần 1.700 giáo viên cơ hữu và tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, số giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn đạt từ 78% trở lên, tùy theo khối các trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh thực hành với rô-bốt hàn tự động, nâng cao tay nghề, kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ định hướng phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Ảnh: Minh Hà
Sinh viên Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh thực hành với rô-bốt hàn tự động, nâng cao tay nghề, kỹ thuật, sẵn sàng phục vụ định hướng phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Ảnh: Minh Hà

Về phía tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc thu hút học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở GDNN trên địa bàn và chất lượng đào tạo của các cơ sở này. Các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương phối hợp giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT, các địa phương và các cơ sở GDNN tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu nguồn nhân lực, nhằm đưa ra kế hoạch đào tạo đối với các cơ sở GDNN đảm bảo phù hợp với thị trường lao động của tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp  thường xuyên đặt hàng đào tạo lao động tại các cơ sở GDNN của tỉnh (trong ảnh: Lao động làm việc tại khu công nghiệp Texhong Hải Hà).
Nhiều doanh nghiệp thường xuyên đặt hàng đào tạo lao động tại các cơ sở GDNN của tỉnh (trong ảnh: Lao động làm việc tại khu công nghiệp Texhong Hải Hà).

Về phía các doanh nghiệp cũng tích cực hỗ trợ các cơ sở GDNN trong vấn đề đào tạo nghề, như: Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các trường đến thực tập tại doanh nghiệp; phối hợp cùng tham gia tư vấn, tuyển chọn nhân lực; phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nghề; cùng tham gia đào tạo nghề... Một số doanh nghiệp còn hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN, cung cấp thông tin tuyển dụng ngắn hạn đối với các trường, trung tâm dịch vụ việc làm.

Công tác phối hợp với nhà trường bước đầu giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết bài toán về tuyển dụng lao động hiện nay, nhất là tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực về cơ khí, kỹ thuật, công nghệ... Chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Việc thu hút học sinh, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2020 đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%. Điều này đã tạo thuận lợi cho công tác giải quyết việc làm của Quảng Ninh. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 lao động được tạo việc làm; 430 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. 6 tháng đầu năm 2021, các cơ sở GDNN đã phối hợp với doanh nghiệp cung ứng, giới thiệu tuyển dụng cho 7.166 lao động. 

Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:

Đồng bộ các giải pháp

Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, GDNN, đẩy mạnh việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần phục vụ tích cực sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo đó, tập trung đẩy mạnh truyền thông về GDNN, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 158/KH-UBND ngày 25/8/2021 truyền thông về GDNN giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo chuyển biến trong toàn hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác giáo dục nghề nghiệp. Sở cũng đã đề xuất cơ chế, chính sách để khuyến khích người học những ngành nghề phù hợp với sự phát triển của tỉnh, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, công nghệ ô tô, dịch vụ, du lịch... Tham mưu, tạo chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh để tránh lãng phí trong đầu tư giáo dục.

Để thu hút học viên, các cơ sở GDNN cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo, gắn việc đào tạo với giải quyết việc làm. Lâu dài, phải tạo ra các mũi nhọn, đào tạo chất lượng cao, chất lượng khu vực, chất lượng quốc tế.

Ông Lưu Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh:

Xây dựng thương hiệu trường nghề chất lượng cao

Trong quá trình hoạt động, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực... song với nhiều giải pháp, trường đã dần khẳng định thương hiệu của mình. Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh đào tạo đa ngành nghề theo 3 cấp trình độ (cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp), trong đó 5 nghề đào tạo chất lượng cao được đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chương trình, giáo trình và đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề Hàn Quốc.

Chất lượng đào tạo luôn là sự quan tâm hàng đầu của trường, do vậy nhà trường chú trọng phát triển dạy nghề theo năng lực của người học, đáp ứng yêu cầu thực hiện các kỹ năng cần thiết của doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề và giới thiệu việc làm cho học viên. Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, người học có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp để tham gia làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Ngày 27/8/2021 vừa qua, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trong thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. Cơ chế đặc thù này là đòn bẩy mạnh mẽ trong việc thu hút học sinh, sinh viên, giảng viên, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc giảng dạy, học tập tại trường.

Chị Cam Thị Hiền (thôn Nà Khau, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu):

Quan tâm hơn nữa đến học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đời sống của nhân dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Để giảm nghèo, bên cạnh những giải pháp được các cấp, ngành triển khai, việc đào tạo nghề cũng là giải pháp quan trọng, giúp người dân có kỹ năng, kinh nghiệm, chuyên môn, từ đó có cơ hội tìm việc làm ổn định, bền vững hơn. Đồng thời, việc chú trọng phân luồng học nghề cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tránh lãng phí trong đầu tư giáo dục, đào tạo, giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về học nghề; phối hợp mở thêm lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu học của người dân và thị trường lao động. Cùng với đó, có các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa phương để mở các công ty, tạo công việc ổn định, thu nhập cao cho lao động nông thôn.

Học viên Nguyễn Văn Cường (Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam):

Kỳ vọng mức lương cao, ổn định

Tại Thanh Hóa quê của tôi cũng có thể dễ dàng tìm được công việc, nhưng tính ổn định không cao. Qua mạng Internet, tôi biết được chương trình tuyển sinh của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam và đăng ký tham gia. Mọi chi phí về ăn, ở, đều được nhà trường hỗ trợ, nên tôi rất yên tâm học tập.

Quá trình học, chúng tôi được các thầy tận tình dạy dỗ, chia sẻ về kỹ năng, chuyên môn. Đặc biệt, khi nhập học, tôi đã được ký hợp đồng với doanh nghiệp, nên sau khi hoàn thành khóa học có thể đi làm ngay. Do đó, tôi rất yên tâm khi lựa chọn học nghề tại trường.

Cùng chuyên mục