Trước khi bước vào năm học mới, dư luận đã tranh cãi về cách đánh vần cho học sinh lớp 1 theo sách “Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1” do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, khiến nhiều phụ khuynh khó hiểu, khó hướng dẫn cho con học.
Chuyện không chỉ dừng ở đó, trên mạng xã hội lại xuất hiện những thông tin sai lệnh là cách đánh vần ấy gắn với cải cách chữ viết của TS Bùi Hiền. Và rồi từ đó xuất hiện nhiều thông tin xuyên tạc về việc đổi mới chữ viết, cách đọc tiếng Việt cho học sinh lớp 1... Những thông tin này cũng khiến không ít người, nhất là các bậc phụ huynh băn khoăn, lo lắng... Có người còn lên mạng xã hội bày tỏ: “Không hiểu sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại vội vàng cho in sách chữ viết của ông Bùi Hiền cho học sinh học. Chữ của ông Bùi Hiền, đọc méo hết cả mồm, nó lộn xộn, lai tạp thế nào ấy. Chả nhẽ tiếng Việt lại méo mó như vậy!”. Thế là không chỉ băn khoăn, lo lắng, việc hiểu sai này đã tạo nên những bức xúc không đáng có.
Bài viết gần đây bàn về cải cách chữ viết của TS Bùi Hiền, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học đã khẳng định: Đề xuất cải tiến chữ viết của TS Bùi Hiền xuất phát từ mục đích tốt nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn; hiểu biết chưa toàn diện về ngữ âm học, ký tự học nên thiếu tính khoa học và thực tiễn, không có tính khả thi. Trong tình hình chữ Quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, Viện Ngôn ngữ học cho rằng hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kì cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ.
Việc giảng dạy lớp 1 hiện nay, hoặc theo sách chương trình đại trà hoặc theo chương trình Công nghệ giáo dục. Hai bộ sách này vẫn đang tranh cãi rất nhiều, vì cách dạy và học theo sách nào cũng có ưu điểm, nhược điểm. Việc đóng góp ý kiến của các nhà chuyên môn vào các bộ sách giáo khoa, nhất là sách tiếng Việt lớp 1 là rất cần thiết, cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe.
Cùng với những chuyện trên, đầu năm học mới năm nay còn khiến các phụ huynh học sinh lớp 1 đau đầu với việc nhiều nhà trường không tổ chức học bán trú, vì cơ sở vật chất không đáp ứng.
Trả lời phỏng vấn của Trung tâm Truyền thông Giáo dục nhân đầu năm học mới 2018-2019, về triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2019-2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng hai điều kiện rất quan trọng để triển khai chương trình là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp, và đây vẫn là vấn đề cần phải quan tâm. Bộ trưởng cho biết: Về cơ sở vật chất trường lớp, nhất là với lớp 1 phải đảm bảo dạy và học được 2 buổi/ngày mới giảm tải được. Nhưng hiện nay vẫn còn khoảng 1/3 địa phương chưa đảm bảo 2 buổi/ngày. Đây cũng là một khó khăn.
Việc đảm bảo lớp 1 được dạy và học 2 buổi/ngày đối với Quảng Ninh cũng là một vấn đề cần phải quan tâm.
Nguyên Đan