21
150
Tiêu điểm/
/tieu-diem
2406120
831538
Chuyện cử nhân xin làm công nhân
chuyen-cu-nhan-xin-lam-cong-nhan
news

Đại hội Đảng

Nhiệm kỳ 2025-2030

Chuyện cử nhân xin làm công nhân

Câu chuyện nghe có vẻ "hài hước" nhưng lại hoàn toàn có thật ở vùng quê ở TP Hải Phòng. Cuối tuần qua, có dịp về thăm quê, anh bạn đồng nghiệp với tôi đã được nghe câu chuyện hết sức bi hài xảy ra với chính người thân của mình.

Câu chuyện nghe có vẻ “hài hước” nhưng lại hoàn toàn có thật ở một vùng quê của TP Hải Phòng. Cuối tuần qua, có dịp về thăm quê, anh bạn đồng nghiệp với tôi đã được nghe câu chuyện hết sức bi hài xảy ra với chính người thân của mình.

Chuyện là: Thời học cấp 3, cháu của anh bạn tôi có chơi thân với một người bạn trong lớp. Dù chơi thân với nhau, nhưng lực học của mỗi người một khác. Cháu của anh bạn tôi học lực trung bình, còn người bạn thân thì học khá. Với học lực của mình người cháu của bạn tôi sau khi tốt nghiệp THPT đã quyết định đi học nghề một thời gian ngắn rồi xin vào khu công nghiệp ở gần nhà để làm việc, kiếm tiền, tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Còn người bạn thân thì thi đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. 4 năm “dùi mài kinh sử”, tốn nhiều tiền của của gia đình, cùng công sức của bản thân, người bạn này ra trường và “vật lộn” với hành trình xin việc ở trên Hà Nội, Hải Phòng hơn 2 năm, nhưng kết quả vẫn là con số “0”  tròn trĩnh. Vậy là sau hơn 6 năm học hành, bươn trải, người bạn thân trở về với gia đình với “tài sản” duy nhất là tấm bằng đại học. Được người thân, bạn bè cùng trang lứa động viên, định hướng, người bạn thân này quyết định đi xin việc ở khu công nghiệp gần nhà. Thế nhưng, khi tìm hiểu thì các chủ doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ tuyển dụng lao động phổ thông, không nhận những nhân lực tốt nghiệp đại học, bởi theo họ tuyển dụng “công nhân chất lượng cao” thì rất khó bố trí công việc.

Vậy là người bạn thân đành phải giấu tấm bằng đại học, chấp nhận làm hồ sơ lao động phổ thông để được nhận vào làm việc. Sau vài tháng đào tạo, người bạn này được phân về phân xưởng sản xuất với mức lương gần 5 triệu đồng. Thế nhưng, điều “trớ trêu”, người bạn này được phân về đúng nơi người cháu của anh bạn tôi làm “sếp” sau hơn 6 năm chăm chỉ lao động, phấn đấu, cống hiến, với mức lương được chủ doanh nghiệp trả là trên 10 triệu đồng. Như vậy là giờ đây người chỉ có bằng THPT lại quản lý, chỉ đạo người được đào tạo đại học chính quy. Câu chuyện nghe thật “bi hài”.

Không chỉ vậy, người cháu của anh bạn tôi, sau hơn 6 năm miệt mài làm việc đã dành dụm được một khoản tiền để xây dựng ngôi nhà khang trang trong làng, trong khi đó người bạn thân giờ mới bắt đầu từ hai bàn tay trắng.

Có lẽ, câu chuyện mà anh bạn đồng nghiệp tôi kể cũng xảy ra ở không ít làng quê. Bởi vấn đề phải học để có bằng cấp vẫn còn mang nặng trong suy nghĩ của nhiều người dân. Từ thực tế đó dẫn đến việc hiện nay chúng ta đang lâm vào cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong khi các khu công nghiệp, doanh nghiệp rất cần lao động phổ thông, thì hằng năm các trường đại học cho “ra lò” hàng chục ngàn sinh viên nhưng lại không xin được việc làm. Điều này vô tình tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn từ những chi phí về tiền của và thời gian, công sức cho việc học đại học. Trong khi, với những gia đình ở thôn quê thì kinh phí nuôi một người học đại học là khoản tiền không hề nhỏ, họ phải chắt bóp, lao động cực khổ một sương hai nắng mới có được.

Từ câu chuyện kể trên cho thấy, nếu được định hướng, hướng nghiệp tốt cho học sinh THCS, THPT ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những đầu tư lãng phí cho việc học hành. Đơn cử như người cháu của anh bạn đồng nghiệp tôi được kể ở trên, ngay sau thời gian ngắn được doanh nghiệp đào tạo đã đi làm việc, tự nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Đặc biệt là sau hơn 6 năm đã có tiền để xây dựng một ngôi nhà mới.

Tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh là vô cùng quan trọng và cần thiết. Làm tốt điều này chúng ta sẽ góp phần không nhỏ vào việc tránh lãng phí về tiền của, công sức, thời gian cho nhiều gia đình. Và để làm được điều này thì rất cần sự chung tay, phối hợp, gắn kết giữa nhà trường, gia đình, đoàn thanh niên, cùng các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp liên quan. Đặc biệt là sự trao đổi, chia sẻ giữa gia đình và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy để có những thông tin về học lực của học sinh, từ đó có những tư vấn, định hướng chính xác nhất cho các em.

Thái Bình

Cùng chuyên mục