Là trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại lớn trong nước với tốc độ đô thị hóa nhanh. Điều này cũng kéo theo sự phát triển của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Để không có những điểm nóng về tệ nạn mại dâm trên địa bàn, thời gian qua các ngành chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về thông tin tuyên truyền, tăng cường kiểm tra xử lý, nhân rộng các mô hình phòng chống ngay tại địa bàn khu dân cư... góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ, trong đó có trên 150 cơ sở lưu trú, karaoke, massage, vũ trường… Đây là những địa điểm kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao, dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng trong công tác phòng, chống mại dâm, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường phổ biến pháp luật về nội dung này. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, như phát tờ rơi, pano, áp phích, diễn đàn, hội nghị sinh hoạt, lớp tập huấn, thi sân khấu hóa..., phù hợp với từng địa bàn, cơ quan, đơn vị, thu hút đông đảo người dân quan tâm tham gia.
Ngành GD&ĐT, Đoàn Thanh niên cũng thường xuyên phối hợp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường học, gắn xây dựng trường học an toàn với nhiệm vụ đấu tranh đẩy lùi tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Ngành VHTT&DL phối hợp với các địa phương, các phòng chuyên môn của Công an tỉnh trong quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch, bằng việc thường xuyên tổ chức kiểm tra liên ngành việc thực hiện phòng, chống mại dâm, đặc biệt ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch...
Để kịp thời đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm, thời gian qua, công tác kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm được tiến hành ở cả cấp tỉnh, huyện và cấp xã. Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã lập biên bản, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng ra quyết định xử phạt đối với các cơ sở vi phạm; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, chấn chỉnh, tư vấn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Thống kê từ năm 2003 đến nay, Công an toàn tỉnh đã phát hiện, triệt phá 433 vụ, bắt giữ trên 2.300 đối tượng hoạt động mại dâm; tương đương trên 21 vụ/115 đối tượng/năm.
Qua những nỗ lực phòng ngừa, tệ nạn mại dâm đã giảm nhiều so với trước. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động mại dâm mang lại nguồn thu bất hợp pháp cao cho chủ chứa, môi giới và gái bán dâm, nên nhiều đối tượng vẫn lén lút tổ chức hoạt động với nhiều hình thức trá hình, như: Xông hơi, massage, tẩm quất, karaoke… Cá biệt, một số ít gái mại dâm tiếp cận với khách nước ngoài nhận vai trò hướng dẫn viên, tiếp viên để hoạt động mại dâm, lợi dụng cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Để phòng ngừa, các lực lượng chức năng cũng xây dựng các mô hình, thành lập các câu lạc bộ phòng ngừa tệ nạn mại dâm, hỗ trợ người bán dâm hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội. Toàn tỉnh hiện có 8 mô hình phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ người bán dâm ổn định cuộc sống được triển khai; cụ thể ở các phường: Yết Kiêu, Hà Khẩu, Đại Yên (TP Hạ Long); Quang Hanh, Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả); Quảng Yên (TX Quảng Yên); Nam Khê (TP Uông Bí); Mạo Khê (TP Đông Triều). Các mô hình có những hoạt động thường xuyên trợ giúp người lầm lỡ rời xa cám dỗ, không tái phạm, tự tin làm lại cuộc đời; góp phần tạo chuyển biến đáng kể về nhận thức và hành động của cộng đồng trong ngăn chặn phát sinh mới tệ nạn mại dâm, giúp phòng ngừa HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Với các hoạt động thiết thực đó, tình hình hoạt động tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh thời gian qua liên tục được kiểm soát tốt, không để xảy ra những điểm nóng, tụ điểm phức tạp gây bức xúc trong dư luận xã hội.