Ngày 15/10 vừa qua, tại Hà Nội, Tháng cao điểm vì người nghèo năm 2017 (từ 17/10 đến 18/11) đã được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam phát động. Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và phát động Tháng cao điểm vì người nghèo.
Tháng cao điểm nhằm kêu gọi, vận động cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức, cá nhân... ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", góp phần thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Từ hoạt động này nhằm tạo nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các hộ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiệt hại do thiên tai, sự cố môi trường...
Tháng cao điểm năm nay được tổ chức vào thời điểm nhiều tỉnh ở khu vực Bắc miền Trung và Tây Bắc vừa phải chịu thiệt hại nặng nề về người, tài sản, hoa màu, vật nuôi do đợt mưa lũ lớn đầu tháng 10 gây ra. Bởi vậy, nó càng có tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực đối với các hộ nghèo, người nghèo, hộ bị thiên tai, cũng như có giá trị lay động lòng người hướng về người nghèo...
Ngay tại lễ phát động Tháng cao điểm vì người nghèo, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp cầm điện thoại nhắn tin và kêu gọi mọi người trong cả nước cùng hưởng ứng để ủng hộ người nghèo, hướng về các miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, với giá trị 20.000 đồng/tin nhắn...
Trong những năm qua, cùng với thành tựu phát triển chung, to lớn của đất nước, công tác giảm nghèo cũng đạt được những kết quả rất ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn quốc đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016 và trong 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều cũng đã giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn khoảng 7% năm 2017. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, được nhân dân đánh giá cao, được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về giảm nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác giảm nghèo cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cả nước hiện vẫn còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung phần lớn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và cũng là những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu...
Bởi vậy, cùng với sự tiếp tục đầu tư nguồn lực của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của bản thân người nghèo, hộ nghèo, rất cần có sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước cho công tác giảm nghèo đạt được kết quả bền vững hơn...
Quảng Ninh trong nhiều năm qua được đánh giá là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của toàn quốc. Phát huy những thành tích đó và cùng chung nhiệm vụ giảm nghèo với cả nước, trong chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quảng Ninh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 0,7%, thu nhập bình quân hộ nghèo tăng trên 4 lần so với năm 2010. Tỉnh cũng sẽ thực hiện nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương khoảng 30%...
Hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn 11.582 hộ nghèo (chiếm 3,39%) và 11.035 hộ cận nghèo (chiếm 3,23%); còn 17 xã, 54 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có địa hình chia cắt, dân cư phân tán...
Xác định công tác giảm nghèo còn nhiều khó khăn, thách thức, do vậy hiện nay toàn tỉnh đang nỗ lực, tập trung thực hiện Đề án "Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" với quyết tâm chính trị cao...
Và hưởng ứng Tháng cao điểm vì người nghèo năm nay, tỉnh đã phát động và tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và các cá nhân, nhà hảo tâm hướng về các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn, giúp người nghèo, hộ nghèo xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững...
Thanh Tùng