Chùa Quỳnh Lâm (phường Tràng An, thị xã Đông Triều) gắn bó với những giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo Việt Nam, là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở đất nước ta nhiều thế kỷ, nhất là giai đoạn thế kỷ XI-XIV.
PV
Chùa Quỳnh Lâm (phường Tràng An, thị xã Đông Triều) gắn bó với những giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo Việt Nam, là một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở đất nước ta nhiều thế kỷ, nhất là giai đoạn thế kỷ XI-XIV. Tuy nổi tiếng ở Việt Nam nhưng ngôi chùa có số phận khá đặc biệt, không biết bao nhiêu lần bị phá huỷ bởi chiến tranh hay hoả hoạn thiêu cháy, rồi lại được xây dựng lại. Bởi vậy, lịch sử ngôi chùa này đến ngày nay chúng ta biết được dựa chủ yếu vào một phần tư liệu lịch sử ghi lại và nhất là các kết quả khai quật khảo cổ, những kiến trúc, hiện vật đá - dấu thời gian còn sót lại ở chùa.
Bia "Trùng tu, tái tạo Tiên du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi" dựng năm 1629 kể lại việc trùng tu chùa quy mô năm này. Tổng cộng chùa khi ấy có 103 gian. Tuy nhiên, căn cứ vào trang trí hoa văn mang đặc trưng mỹ thuật thời Lý trên bia, các nhà khoa học cho rằng chùa Quỳnh Lâm đã được dựng vào thời Lý (thế kỷ XI). Cho đến nay, đây là tấm bia đá lớn nhất trong số các di tích tôn giáo ở Quảng Ninh. Bia cao 2,4m, rộng 1,56m, dày 0,27m. Tháp Tịch Quang dựng năm 1727 thờ thiền sư Chân Nguyên (1647 -1726), gắn liền với giai đoạn phát triển thứ hai của chùa Quỳnh Lâm cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII. Bia đá trên tháp được coi là quý hiếm ghi lại công đức của Thiền sư Chân Nguyên cho biết khi trụ trì chùa Quỳnh Lâm, ngài đã dành nhiều công sức xây chùa, tô tượng, đúc chuông, cho dựng đài cửu phẩm liên hoa vào năm 1684. Năm 1722, ngài được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng thống (người đứng đầu Phật giáo của đất nước), ban hiệu Chính Giác Hoà thượng. Thành bậc, lan can đá hình rồng trước sân chùa chính có niên đại thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII- XVIII) là hiện vật gốc, độc bản. Cùng với bia "Trùng tu, tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi", thành bậc, lan can đá hình rồng trên đang được Ban Quản lý di tích nhà Trần ở Đông Triều xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.Những vật dụng kè thềm, hiên, chân kê cột bằng đá - dấu tích của những lần trùng tu chùa Quỳnh Lâm nhiều thế kỷ trước. Có những tảng kê chân cột có đường kính tiếp xúc chân cột tới 1m, cho thấy quy mô bề thế của chùa Quỳnh xưa.Những thống đá cổ được chế tác thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) còn nguyên vẹn. Thời xưa, những thống đá này có chức năng đựng nước, đãi gạo của tăng ni trong chùa.Những năm trước đổi mới, đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn nhưng chùa Quỳnh Lâm vẫn được phật tử, tăng, ni quan tâm trùng tu. Cổng vào chùa dựng năm 1981 còn sót lại là một minh chứng.Ngày 9/6/2016, chùa Quỳnh Lâm được động thổ, khởi công tu bổ, tôn tạo quy mô với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá. Ngày 12/12/2020, các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, gồm: 3 toà điện, cổng tam quan, nhà bia, sân, vườn hoa, cây cảnh, bảo tháp và các hạng mục kết nối giao thông... Hiện nay, một số hạng mục của chùa vẫn đang tiếp tục được thi công, tôn tạo để xứng đáng vị thế ngôi chùa từng nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam - nơi các vị Tổ thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa, Huyền Quang đã từng tu hành và cũng là nơi gắn liền với nhiều danh nhân trong lịch sử như Trần Quang Triều, các tôn thất nhà Trần, sau này là Nguyễn Thực, Phan Huy Chú...