Sáng 3-4, tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp quý I năm 2017 với quy mô lớn với trên 500 đại biểu tham dự. Ngoài cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, tỉnh Quảng Ninh còn mời đại diện các HTX, các chủ hộ kinh doanh tiêu biểu tới dự.
Mời đại diện các HTX, các chủ hộ kinh doanh tới dự hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp là cách làm mới của Quảng Ninh.
Cùng với chú trọng các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn, tỉnh Quảng Ninh chú trọng đến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại hội nghị, đại diện Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã giới thiệu quỹ và mong muốn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quảng Ninh chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp cận quỹ này.
Tới đây chúng ta sẽ có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển bình đẳng, bền vững và cạnh tranh lành mạnh nhằm phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư kinh doanh.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ về phát triển doanh nghiệp tư nhân: “Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. “Tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 3-2017, tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký trong tỉnh là 13.299, với số vốn đăng ký là 138.392 tỷ đồng, trong đó số doanh nghiệp lớn là 157, với số vốn đăng ký 90.000 tỷ đồng (chiếm 1,18% về số doanh nghiệp và 65% về số vốn).
Qua số liệu này cho thấy, chủ yếu số doanh nghiệp của Quảng Ninh là nhỏ và vừa. Trong số các doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2017 cũng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong tài liệu trả lời ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp đầu năm 2017 tại hội nghị nói trên, cũng tập trung đối với những vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại hội nghị của tỉnh vừa qua về triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), các chuyên gia kinh tế cũng mong muốn Quảng Ninh tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển cũng là nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bởi chính đây là đối tượng chủ yếu để “chấm điểm” năng lực của tỉnh.
Chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ là một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời với kêu gọi các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược, Quảng Ninh chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển các ngành dịch vụ, gắn phát triển sản phẩm OCOP cũng như xây dựng nông thôn mới là hướng đi đột phá của Quảng Ninh.
Nguyên Đan