Theo cơ quan chức năng, chiều ngày 22-8, bão Hato (cơn bão số 6) đã vượt qua phía Bắc đảo Ludong (Philippin) đi vào biển Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10-11.
Đến 10 giờ ngày 23-8, vị trí tâm bão cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 190km về phía Đông Đông Nam; sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đã mạnh lên cấp 13, giật cấp 15. Dự báo do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ ngày 23 đến 25-8, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 100-200mm/đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu từ 250-300mm/đợt)...
Như vậy, theo dự báo Quảng Ninh sẽ nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 6, khả năng sẽ có mưa to đến rất to trên phạm vi rộng. Do vậy, để ứng phó kịp thời với cơn bão số 6, đảm bảo giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, sáng 23-8, UBND tỉnh đã có công điện khẩn (số 11/CĐ-UBND) yêu cầu các ngành, địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống cơn bão số 6. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo ngay cho người dân về cơn bão, khả năng ảnh hưởng nguy hiểm do mưa to và rất to để chủ động phòng tránh và đề phòng lũ quét, sạt lở đất...; tổ chức kiểm tra thực tế tại các thôn, khu, khe, bản, khu phố để chỉ đạo thực hiện phòng, chống bão, mưa lũ. Quản lý chặt chẽ tàu thuyền, các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản. Sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các bãi thải khai thác than, ngập lụt ở các khu vực trũng, thấp... Riêng các địa phương bị thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua cần phải có phương án để ứng phó với đợt mưa, lũ này. Tuyệt đối không được để xảy ra thiệt hại về người...
Quảng Ninh vừa tổ chức hội nghị về việc khắc phục hậu quả đợt mưa lũ xảy ra vào trung tuần tháng 8 mới đây ở một số địa phương. Tại hội nghị, những bài học, kinh nghiệm, tồn tại trong công tác phòng, chống mưa lũ cũng đã được rút ra để việc triển khai công tác này trên địa bàn đạt hiệu quả cao, giảm thiểu những thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Từ những bài học, kinh nghiệm được rút ra đó, các ngành, các cấp, địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm địa bàn để chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá, dự báo các nguy cơ có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt để có phương án đối phó kịp thời, không để tái diễn những thiệt hại như trong đợt mưa lũ vừa qua. Đặc biệt, phải làm tốt công tác cảnh báo cho người dân về những nguy hiểm rình rập khi xảy ra mưa lũ, cắt cử người thường trực, canh gác ở những khu vực tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đường tràn, cầu cống qua sông, suối; lập hàng rào, biển báo ở những nơi có các tuyến cống hở, vỡ hỏng nắp...
Thực tế cho thấy, với nhiều cơn bão, mặc dù tâm bão không trực tiếp đổ bộ vào địa bàn tỉnh, nhưng hoàn lưu của nó có ảnh hưởng rộng, gây ra mưa lớn ở nhiều khu vực. Đặc biệt, với địa bàn Quảng Ninh, do vừa xảy ra trận mưa lũ lớn ở một số địa phương, nên nền đất phần nhiều đã ngậm no nước, vì vậy khi gặp mưa lớn tiếp theo rất dễ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt. Không chỉ vậy, với ảnh hưởng của cơn bão số 6 nhiều tỉnh ở khu vực vùng núi, là đầu nguồn của nhiều sông, suối cũng sẽ có mưa lớn trên diện rộng, do vậy khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống ở hạ lưu là rất cao. Vì vậy, các cấp, các ngành, địa phương và người dân trước hết cần thực hiện nghiêm túc, khẩn trương những nội dung trong công điện khẩn của UBND tỉnh. Cùng với đó là chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống. Đặc biệt, không được phép chủ quan cho rằng tâm bão không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh mà dẫn tới lơ là, thiếu cảnh giác trong công tác phòng, chống bão số 6. Và cần phải nắm bắt, theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão và tình hình cụ thể trên địa bàn để có những ứng phó nhanh chóng, hiệu quả nhất; không được để xảy ra những bất ngờ, bị động...
Trong đợt mưa lũ vừa diễn ra trên địa bàn tỉnh, mặc dù lượng mưa chưa phải là lớn, nhưng do lượng nước ở thượng nguồn các sông, suối đổ về lớn nên đã gây ra lũ quét, ngập lụt ở một số khu vực với tổng thiệt hại hơn 43 tỷ đồng. Trong đó các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là Ba Chẽ và Hoành Bồ. Nhiều công trình, dự án giao thông bị lũ cuốn trôi, sạt lở đất đá nghiêm trọng. Không ít nhà dân bị sập đổ, ngập lụt; một số xã bị chia cắt. Đặc biệt, trên địa bàn TP Hạ Long đã có một học sinh tử vong do bị nước cuốn trôi vào cống. Đây là những lời cảnh báo và bài học đắt giá cho công tác phòng, chống mưa bão nói chung và ứng phó với cơn bão số 6 nói riêng, đang được dự báo gây ảnh hưởng nhiều đến địa bàn tỉnh...
Thanh Tùng