Sau 3 năm triển khai, chương trình OCOP được đánh giá là đi đúng hướng và đạt hiệu quả thiết thực. Tại hội nghị sơ kết chương trình này do UBND tỉnh tổ chức ngày 22-10-2016, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá những kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất các giải pháp để chương trình thêm hiệu quả.
Về những kinh nghiệm bước đầu, các đại biểu thống nhất cho rằng đây là một chương trình mở, chưa có tiền lệ tại nước ta. Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra là trong lãnh đạo, chỉ đạo phải đồng bộ, quyết liệt, tâm huyết; kịp thời phát hiện và tháo gỡ khó khăn để điều chỉnh cho phù hợp.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình phát triển. Lãnh đạo Sở Công Thương sau khi chỉ ra rằng một số sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến đã đề nghị cần tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ ở các địa phương khác. Lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị tiếp tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết từng vùng sản xuất sản phẩm chủ lực; ứng dụng KHCN vào sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP tạo chuỗi sản xuất từ giống, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Lãnh đạo Sở KHCN cho rằng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tạo được khối lượng lớn nên khó cạnh tranh trên thị trường... từ đó đề nghị tỉnh cần ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ các sản phẩm OCOP phát triển.
Về phía các địa phương, lãnh đạo huyện Hoành Bồ kiến nghị tỉnh cần quan tâm chỉ đạo bố trí từ 2 đến 3 biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP. Lãnh đạo TP Uông Bí kiến nghị tỉnh cho thành lập trung tâm cung ứng, giới thiệu, hỗ trợ cho các trung tâm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố; có biện pháp quản lý, nâng cao giá trị thương hiệu OCOP trong tỉnh và trên cả nước; có nhiều hơn các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hội chợ, lễ hội trong và ngoài tỉnh để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đại diện các tổ chức kinh tế cũng đưa ra những đề xuất cụ thể. Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (Ba Chẽ) đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu, công bố tác dụng cây trà hoa vàng để người tiêu dùng tin dùng, tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí và định hướng để Ba Chẽ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng này. Còn đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn) phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về địa điểm do chưa có quy hoạch khu vực chế biến thuỷ sản tập trung ở Khu kinh tế Vân Đồn, đề nghị cơ quan chức năng chấp thuận địa điểm phù hợp để Công ty nhanh chóng ổn định sản xuất...
Kết luận hội nghị nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu ngay sau đây UBND tỉnh phải tổ chức một hội nghị để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, hộ gia đình trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình OCOP. Trong văn bản số 6872/UBND-NLN1 ngày 27-10, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện phải tổ chức hội nghị đối thoại và tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cắt giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình thực hiện chương trình OCOP. Ban Xây dựng nông thôn mới tổng hợp các kiến nghị, báo cáo để UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Cùng với sự nỗ lực cố gắng của các tổ chức, hộ gia đình thì việc lãnh đạo tỉnh chủ động tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, hứa hẹn chương trình OCOP trong giai đoạn tới đây sẽ gặt hái thêm được nhiều thành công mới.
Chí Linh