Năm nay Quảng Ninh kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2018), đồng thời kỷ niệm 90 năm ra đời Báo Than (1928-2018), tờ báo của Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng, tại Cẩm Phả.
Như vậy có thể nói, truyền thống công tác tuyên giáo, truyền thống công tác báo chí, truyền thông của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có ngọn nguồn từ hoạt động của Báo Than. Và đây là truyền thống đáng tự hào của những cán bộ làm công tác tuyên giáo, của đội ngũ báo chí, truyền thông của tỉnh.
Nắm bắt thông tin, dư luận xã hội để chủ động định hướng tư tưởng, dư luận xã hội là công tác quan trọng trong tình hình hiện nay.
Ngày 29/9/2017, hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã thảo luận cho ý kiến về Đề án “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới” do Ban Tuyên giáo xây dựng. Phát biểu chỉ đạo về Đề án này, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm, tính gương mẫu của người đứng đầu trong công tác và sinh hoạt. Công tác tư tưởng phải gắn với học tập, nghiên cứu, nhất là đối với cán bộ, đảng viên; cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin cơ sở, định hướng báo chí, thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội.
Đề án trên là bước quan trọng để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 18/12/2017 “Về một số giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới”.
Theo đó, Nghị quyết 10-NQ/TU đã nêu rõ một số yếu kém, bất cập trong công tác tư tưởng. Đó là việc phát hiện nhân tố mới, cách làm hay để tuyên truyền nhân rộng chưa thường xuyên. Một số cấp ủy đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế về nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và những luận điệu tuyên truyền, chống phá của các thế lực thù địch. Công tác thông tin cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, những thông tin thiết yếu chưa được kịp thời chuyển tải đến nhân dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Nghị quyết 10-NQ/TU đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó chú trọng đến các nhiệm vụ, giải pháp định hướng thông tin, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội: Tăng cường quản lý, chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí; phát huy hiệu quả các loại hình, phương tiện tuyên truyền, nhất là internet, mạng xã hội, tạo sự lan tỏa các chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Kịp thời nắm bắt diễn biến và định hướng tư tưởng, dư luận; tăng cường công tác thông tin gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần tạo đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa, bảo về nền tảng tư tưởng của Đảng...
Triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU đã tạo cho các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị chủ động trong công tác tư tưởng, định hướng xã hội, tạo nền tảng cho đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời điểm các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội kích động nhân dân gây mất trật tự, an toàn xã hội vừa qua. Kết quả này có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ ngành Tuyên giáo của tỉnh.
Nguyên Đan