Thực tế cho thấy, vào dịp cuối năm, đặc biệt là thời điểm trước Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng qua biên giới trên địa bàn tỉnh thường gia tăng và diễn biến phức tạp so với các thời điểm khác trong năm. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vào thời điểm cận Tết nhu cầu mua sắm hàng hoá của người dân tăng cao, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng, tiêu dùng trong dịp Tết như bánh kẹo, hoa quả, các loại đồ uống, quần áo may sẵn v.v.. Bên cạnh đó, một số mặt hàng cấm như pháo nổ các loại, ma tuý, đồ chơi mang tính bạo lực cũng được các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để đưa vào nội địa tiêu thụ nhằm thu lợi nhuận cao...
Quảng Ninh là địa bàn có vị trí thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng hoạt động, như có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc, có đường biên giới cả trên bộ và trên biển dài, rộng. Trong khi đó các mặt hàng do nước ngoài sản xuất có giá bán siêu rẻ, mẫu mã đẹp, chủng loại phong phú nên có sức hút lớn đối với người tiêu dùng trong nước. Đây là những thách thức, khó khăn không nhỏ đối với các đơn vị chức năng trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng giả, hàng cấm trên địa bàn...
Mặc dù khó khăn, phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng của tỉnh và địa phương cũng đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phá nhiều vụ án buôn lậu, vận chuyển hàng cấm có số lượng lớn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, lành mạnh hoá thị trường hàng hoá, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh trong nước phát triển...
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 11 tháng của năm 2016, các lực lượng chức năng của tỉnh và địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý trên 3.000 vụ, với 2.500 đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng cấm; trong đó đã khởi tố 70 vụ với 89 đối tượng; tổng trị giá hàng hoá tịch thu và xử phạt vi phạm hành chính là trên 52 tỷ đồng. Các loại hàng hoá buôn lậu, gian lận thương mại thường tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng có thuế suất, giá trị cao, hàng thực phẩm, hàng giả, nhái nhãn mác, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng cấm...
Bởi vậy, để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với hoạt động, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ, các lực lượng chức năng từ tỉnh đến các địa phương cần chủ động và tăng cường hơn nữa sự phối hợp, nắm bắt thông tin, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, ngăn chặn trên địa bàn do đơn vị, ngành, địa phương mình phụ trách. Trong đó đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát ở các địa bàn trọng điểm, các xã, phường sát biên giới có các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới đường bộ; các luồng tuyến thuận lợi cho vận chuyển hàng lậu trên sông, biển. Trong đó, cần đặc biệt làm tốt công tác trinh sát, nắm tình hình để “đánh” trúng, đúng vào các ổ nhóm, đường dây lớn, có tổ chức, thường xuyên có hoạt động buôn lậu qua biên giới. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để người dân ở các địa bàn biên giới, khu vực cửa khẩu thực hiện tốt công tác tự quản giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, kiên quyết không tiếp tay, tham gia vào hoạt động buôn lậu...
Vẫn biết rằng, công tác đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá các ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hành vi gian lận thương mại là hết sức khó khăn, phức tạp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và phải làm thường xuyên, lâu dài. Nhưng nếu có quyết tâm cao, sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các lực lượng và đề ra những giải pháp, cách thức cụ thể, khoa học, thì chắc chắn nhiệm vụ chống buôn lậu sẽ đạt được nhiều kết quả, các đối tượng buôn lậu cũng sẽ phải “chùn tay”, không dám liều lĩnh, manh động... Và như vậy, những kết quả đạt được mới mang tính bền vững, góp phần quan trọng trong việc ổn định và lành mạnh hoá thị trường nội địa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển...
Thanh Tùng