Một ngày cuối tháng 8 dù câu hát tháng tám mùa thu có lãng mạn đến đâu cũng không cản được cái nắng cháy rát ngọn cỏ, cành cây, giữa khoảng sân tương đối rộng của khu vui chơi dành cho trẻ em của xã Quảng Lợi (Đầm Hà) những bộ đồ chơi như nhà trượt, bập bênh, thú nhún đều được phơi dưới trời nắng. Một cán bộ văn hóa của xã cho biết khu vui chơi dành cho trẻ em của xã do chưa có điều kiện làm mái che nên đồ chơi đành phải bày ngoài trời, vào mùa hè thì các cháu có thể chơi được vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn.
Nhìn những đồ chơi còn khá mới được xếp ngay ngắn ở một góc sân tôi hỏi một chị đang bế con đứng gần cổng vào sân chơi chị cho biết: Rất ít các cháu đến chơi bởi do đồ chơi bày ngoài trời nên khá bụi bẩn lại nóng nực nên các phụ huynh không cho con đến đây chơi. Với lại khu vui chơi không có người trực tiếp trông giữ mà là do cán bộ văn hóa xã quản lý chỉ khi nào có người đến mở cổng thì mới vào chơi được.
Không riêng gì ở Quảng Lợi mà hầu hết các xã miền núi tôi đến công tác đều thấy tình cảnh những bộ đồ chơi dành cho trẻ em nằm chỏng chơ phơi mưa, phơi nắng ở góc sân của một trường học hoặc khu văn hóa thể thao của xã, cái có sắt thì đều hoen rỉ, cáu bẩn, cái bằng nhựa thì bạch phếch lấm nhem nhuốc, sân chơi thì cỏ mọc um tùm. Không cần hỏi cũng biết những sân chơi, món đồ chơi này đã rất lâu không có đứa trẻ nào bén mảng đặt chân đến.
Ở miền núi là vậy, còn thành phố những ngày nghỉ cuối tuần các bậc phụ huynh có con nhỏ muốn tìm chỗ cho con mình vui chơi cũng rất khó khăn. Ngoài đến điểm vui chơi dành cho trẻ em do một số hộ tư nhân đầu tư ở trong khu vực sân của Cung văn hóa thiếu thi tỉnh ra thì chẳng biết cho con đi chơi ở đâu. Có được khu vực rộng rãi tại Quảng Trường 30/10 thì hàng quán bủa vây, do không có tổ chức quản lý, sắp xếp, mạnh ai người nấy kinh doanh, cho thuê đồ chơi, gây ra sự lộn xộn, không an toàn nên các gia đình có con nhỏ cũng không dám thả con ra chơi tại đây. Nhẩm tìm những chỗ có thể cho trẻ em vui chơi an toàn tại TP Hạ Long tôi giật mình thành phố càng mở rộng, càng hiện đại thì sân chơi càng thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình xây dựng.
Các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, trẻ em phát triển và hình thành thể chất, trí tuệ, nhân cách… một cách toàn diện một phần là nhờ tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp. Trong khi áp lực học tập ở các trường, lớp quá lớn, sau giờ học trẻ cần có những nơi để vui chơi thì không có sân chơi, chỗ có được sân chơi thì chềnh ềnh giữa trời mưa nắng nên trẻ chẳng thể chơi được. Và cuối cùng trẻ em thành phố thì lại loanh quanh luẩn quẩn bên ti vi, máy tính, Ipad, trẻ em nông thôn thì vườn cây, bờ sông, bờ suối… Chính vì vậy, những câu chuyện đáng tiếc đã từng xảy ra khi trẻ không có được những chỗ vui chơi, giải trí phù hợp.
Cuộc sống cuốn đi với bao lo toan, bộn bề nhưng những ký ức tuổi thơ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của mỗi người và cho trẻ em tuổi thơ đẹp, đáng nhớ cũng từ những sân chơi ý nghĩa.
Ngọc Lan