Chính phủ Đức vừa công bố sáng kiến đầu tư lớn nhất trong nhiều thập kỷ, trị giá 631 tỷ euro trong 3 năm tới, nhằm phục hồi kinh tế sau hai năm suy thoái liên tiếp. Sáng kiến “Made for Germany” (Sản xuất cho nước Đức) tập trung vào các dự án trọng điểm như sản xuất, nghiên cứu-phát triển và hạ tầng quốc gia.

Phát biểu tại Phủ Thủ tướng trước các giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu Đức, Thủ tướng Friedrich Merz nhấn mạnh sáng kiến đầu tư kỷ lục là tín hiệu mạnh mẽ về sự thay đổi trong nhận thức. Ông Merz khẳng định: “Thông điệp rất rõ ràng: nước Đức đã trở lại. Đầu tư vào Đức là điều đáng giá. Chúng ta không phải là một địa điểm của quá khứ, mà là của hiện tại và tương lai”.
Sáng kiến “Made for Germany”, do Siemens và Deutsche Bank khởi xướng, đã thu hút hơn 60 công ty từ nhiều lĩnh vực tham gia, trong đó có BMW, Mercedes-Benz, Volkswagen, Allianz, Airbus và Nvidia.
Từng là động lực tăng trưởng của châu Âu, kinh tế Đức hiện chịu tác động nặng nề từ lạm phát, khủng hoảng giá năng lượng do xung đột Ukraine và áp lực cạnh tranh toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Từ năm 2017, thị phần xuất khẩu của Đức giảm mạnh và từ năm 2021 ngày càng tụt hậu so với các nền kinh tế tiên tiến. Xuất khẩu yếu là một nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức đối mặt nguy cơ không tăng trưởng năm thứ ba liên tiếp. Theo Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), hơn 75% thị phần xuất khẩu bị mất trong giai đoạn 2021-2023 là do vị thế cạnh tranh suy giảm. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành như ô-tô, cơ khí, chế tạo máy, kỹ thuật điện và các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như hóa chất.
Sau hai năm suy thoái và triển vọng ảm đạm cho năm 2025, Thủ tướng Friedrich Merz kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư trong nước. Hồi tháng 5, Chính phủ Đức đã phê duyệt các gói giảm thuế trị giá hàng tỷ euro và thành lập quỹ 500 tỷ euro đầu tư vào hạ tầng và khí hậu, nhằm khôi phục môi trường đầu tư đang trì trệ. Cùng với các cam kết cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh số hóa, gói tài khóa mới và cải cách quy định phanh nợ trong hiến pháp được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho doanh nghiệp đầu tư trở lại.
Gần đây, tâm lý nhà đầu tư Đức cải thiện vượt kỳ vọng trong bối cảnh thị trường ổn định hơn, bất chấp cảnh báo áp thuế từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu (ZEW) công bố giữa tháng 7, kỳ vọng của giới đầu tư về kinh tế Đức trong 6 tháng cuối năm tăng 5,2 điểm, đạt 52,7 điểm. Giám đốc ZEW Achim Wambach cho biết gần 70% chuyên gia được hỏi tin rằng kinh tế Đức sẽ cải thiện, bất chấp căng thẳng thương mại toàn cầu. Tâm lý tích cực này được thúc đẩy bởi hy vọng Mỹ và EU sớm đạt thỏa thuận thuế quan, cùng với các gói kích thích chi tiêu của Chính phủ Đức. Ngoài ra, hiệu suất kinh tế cải thiện và các biện pháp như giảm thuế, kế hoạch chi tiêu 847 tỷ euro cho hạ tầng và tăng trưởng do Thủ tướng Friedrich Merz công bố cũng góp phần nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Với những nỗ lực vực dậy nền kinh tế đầu tàu châu Âu, giới đầu tư kỳ vọng kinh tế Đức sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm. Sự phục hồi của Đức không chỉ quan trọng với quốc gia này mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn châu Âu. Tuy nhiên, thu hút đầu tư và hiện thực hóa sáng kiến “Made for Germany” là thách thức lớn trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Để cỗ máy kinh tế Đức hồi sinh mạnh mẽ và bền vững, ngoài các biện pháp đã triển khai, Chính phủ Thủ tướng Friedrich Merz cần đồng bộ thêm các cải cách như: Tăng ưu đãi việc làm, giảm rào cản với lao động nhập cư lành nghề, ưu đãi thuế cho đầu tư tư nhân, giảm chi phí năng lượng, gánh nặng hành chính và cải cách hệ thống an sinh xã hội.