Trong thư gửi các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Con đường đổi mới đang ở những bước đầu tiên, phía trước còn rất nhiều gian khó, thách thức, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực, cộng đồng trách nhiệm hơn nữa của cán bộ, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành. Nhất là khi một số bất cập, hạn chế về giáo dục và đào tạo đã bộc lộ rõ hơn trong năm 2018, ảnh hưởng tới niềm tin của xã hội đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Điều này đặt ra cho toàn ngành nhiều việc phải làm, cả trước mắt và lâu dài, trước hết là để củng cố niềm tin của xã hội đối với công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà.
Giáo dục Việt Nam đang đứng ở thứ hạng nào trên thế giới? Theo kết quả được rút ra từ Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD thực hiện, Việt Nam xếp hạng thứ 19 trong danh sách 20 quốc gia tốt nhất trên thế giới về giáo dục. Với vị trí này, Việt Nam vượt lên trên các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Canada (xếp hạng 20), Mỹ (xếp hạng 25).
Có thể khẳng định, đây là thành quả rất đáng khích lệ của ngành Giáo dục sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đổi mới giáo dục nước nhà đã đạt được những kết quả tốt, đó là tất cả các tỉnh, thành phố đều đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục phổ thông đã có bước chuyển quan trọng từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, dạy làm người. Chất lượng giáo dục phổ thông được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá PISA và số lượng học sinh đoạt huy chương Olympic quốc tế tăng đều hàng năm. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện một bước. Lần đầu tiên nước ta có 2 đại học nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn.
Trong ngày vui, tri ân thầy, cô giáo để cùng chia vui với những kết quả đạt được của ngành Giáo dục nước nhà nhưng như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ, có lẽ đây đang là một trong những thời điểm đầy thách thức của ngành Giáo dục và Đào tạo. Những tiêu cực trong ngành, gian lận trong thi cử, những vụ việc trái với truyền thống tôn sư, trọng đạo... xảy ra trong thời gian qua như những gai nhọn đâm vào tâm can những người làm thầy, làm trò và lương tâm của con người biết đạo hiếu.
Trong công cuộc chấn hưng giáo dục nước nhà không chỉ là sự tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành - những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục mà còn cần hơn nữa là sự đồng hành của toàn xã hội trong công cuộc chấn hưng này.
Tôn sư, trọng đạo là truyền thống quý báu của tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý. Sự tận tụy, nỗ lực của các thầy, cô giáo, của ngành Giáo dục và Đào tạo để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà sẽ tiếp tục được xã hội truyền lửa, đồng hành để giáo dục Việt Nam ngày càng chất lượng hơn, đẳng cấp hơn nữa.
Ngọc Lan