Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19-5 vừa qua, UBND tỉnh đã có công văn (số 3545/UBND-NC) về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, thường xuyên thông báo và định kỳ hàng quý gửi kết quả về Thanh tra tỉnh tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20 của tháng cuối mỗi quý.
Chánh Thanh tra tỉnh phải chịu trách nhiệm rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các ngành, địa phương đối với từng doanh nghiệp; tổng hợp, đề xuất, điều chỉnh, xử lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương. UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phải lắng nghe các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; tổng hợp báo cáo định kỳ hằng tháng về UBND tỉnh vào ngày 20 hằng tháng...
Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, được ký ngày 17-5-2017, ngay trong ngày diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, được tổ chức tại Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ, qua theo dõi tình hình và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thấy rằng, hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nói riêng vẫn tồn tại những hạn chế, còn những vụ việc gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ; thời gian thanh tra kéo dài; nội dung thanh tra chưa rõ ràng, có khi vượt ra ngoài thẩm quyền quản lý; chậm ban hành kết luận thanh tra, chưa làm rõ được dấu hiệu vi phạm, kiến nghị xử lý chưa cụ thể...
Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm, không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp...
Cách đây một năm, sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ nhất (năm 2016), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Và trong nội dung Nghị quyết đã yêu cầu chỉ được thanh, kiểm tra doanh nghiệp 1 lần/năm. Mặc dù vậy, trên thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn diễn ra tình trạng không ít doanh nghiệp trong vòng 1 năm phải tiếp tới 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí có đơn vị tiếp đến trên 10 đoàn, đó là chưa kể những lần kiểm tra không chính thức. Theo báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá có nhiều thuận lợi, đổi mới trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thì tình trạng doanh nghiệp than phiền về các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Không ít đơn vị, địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu chỉ thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Vẫn còn khoảng 13,8% doanh nghiệp bị kiểm tra từ 4 lần trở lên trong năm 2016. Trong số những đơn vị có từ 2 cuộc kiểm tra trở lên, có 52,4% lượt doanh nghiệp cho rằng nội dung các cuộc kiểm tra tương đối giống nhau. Bên cạnh đó, cá biệt có đơn vị bị kiểm tra 9 lần/năm, mặc dù nội dung không giống nhau, nhưng đã gây áp lực rất lớn cho đơn vị... vì vậy, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã giải toả được nỗi ám ảnh thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của Nhà nước, nhất là trong hoạt động sản xuất - kinh doanh thì công tác thanh, kiểm tra là rất cần thiết, quan trọng, vì đây là một trong các biện pháp, cách thức của công tác quản lý. Chỉ có điều cần bố trí chương trình, kế hoạch kiểm tra sao cho khoa học, hợp lý, không cản trở đến hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh việc chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra của các cơ quan quản lý, thì cũng rất cần sự hoạt động trong sáng, lành mạnh, tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, để các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra không có lý do gì phải thanh, kiểm tra nhiều lần/năm...
Thanh Tùng