Trong những ngày giá rét, mưa phùn, nhất là vào những đợt rét đậm, rét hại nếu có dịp qua lại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng, nhiều người không khỏi lo lắng, ái ngại khi nhìn thấy cảnh nhiều trẻ em mặc dù trên mình mặc đủ quần áo ấm, nhưng lại đi chân trần, chân đất. Giải thích về hiện tượng này, không ít người, trong đó có cả các bậc cha mẹ cho rằng đó là thói quen đã tồn tại từ lâu. Điều này có lẽ chỉ đúng một phần, còn nguyên nhân chính vẫn là do trình độ nhận thức, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ của người dân còn nhiều hạn chế, thiếu hiểu biết. Trong đó một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cơ quan y tế địa phương, đã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân nói chung, trẻ em nói riêng ở những nơi này…
Mới đây, nhân dịp đến chúc Tết cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Quảng Ninh trong ngày làm việc đầu xuân mới, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Đọc khi chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền cho đơn vị trong năm 2016 cũng như thời gian tới cũng đã lưu ý và nhấn mạnh các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, cung cấp các kiến thức khoa học về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đối với trẻ em, học sinh ở các vùng, khu vực này. Bởi đôi chân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh tật cho cơ thể…
Có thể nói thời gian qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, chăm sóc sức khoẻ cho người dân nói riêng đã được tỉnh đặc biệt chú trọng, quan tâm. Mạng lưới y tế, giáo dục đã được bao phủ ở rộng khắp các khu vực, kể cả các thôn, bản xa, với lực lượng cán bộ, nhân viên, trang thiết bị được tăng cường, nâng cấp. Trong đó nhiều cơ sở y tế đã đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ, hoặc có thể cho đó là chuyện nhỏ, thói quen trong sinh hoạt, nên việc tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về việc giữ ấm cho đôi chân đến với người dân, trẻ em vùng cao chưa thực sự được quan tâm, chú trọng đúng mức. Cũng có lẽ vì thế mà trong các phần quà, hiện vật mà các cấp, các ngành, đơn vị, nhà hảo tâm mang đến tặng cho các hộ nghèo vùng sâu, vùng xa ít ai chú ý tặng tất ấm cho người dân, trẻ em, học sinh…
Quan tâm chăm lo cho hộ nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương, nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị. Song sự quan tâm, chăm lo đó phải được căn cứ, xuất phát từ những nhu cầu thực tế, thiết thực của người dân. Việc làm này không chỉ được thể hiện bằng các hiện vật, nguồn tiền, mà còn cần có cả những kiến thức về khoa học, kỹ năng sống, kinh nghiệm chống chọi với thời tiết, thiên nhiên khắc nghiệt. Vì vậy, ngay từ bây giờ khi thời tiết còn giá lạnh, các địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh đeo tất hằng ngày để giữ ấm cho đôi chân, góp phần bảo vệ tốt sức khoẻ, tránh sự xâm nhập của bệnh tật…
Thanh Tùng[links()]