UBND tỉnh mới đây đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng: Biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường phối hợp với lực lượng kiểm dịch về thú y, y tế tại địa phương có biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, chợ biên giới, nơi tập kết gia súc, gia cầm, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm từ tỉnh ngoài và biên giới vào địa bàn, nhằm ngăn chặn nguồn lây lan vi rút cúm gia cầm. Thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y thực phẩm theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch cúm gia cầm để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và tự giác tham gia công tác phòng, chống dịch; chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia cầm.
Cùng với đó, thống kê, rà soát về sự biến động số lượng gia cầm hiện có, tập trung lực lượng tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đợt I/2018 và các bệnh khác cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo tiến độ, đạt kế hoạch tỉnh giao; quản lý các tổ chức, cá nhân chăn nuôi có quy mô trên 2 ngàn con gia cầm để khuyến cáo tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm; chỉ đạo thực hiện phun khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần đối với những nơi có nguy cơ cao, tại các chợ, tụ điểm tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ, nơi có ổ dịch cũ, cơ sở sản xuất giống gia cầm, phương tiện vận chuyển, chuồng trại chăn nuôi...nhằm tiêu diệt mầm bệnh, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Các đơn vị, địa phương liên quan phân công trách nhiệm cụ thể trong việc theo dõi, giám sát và báo cáo dịch bệnh chặt chẽ đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát vi rút cúm trên gia cầm nhập lậu, chợ buôn bán, điểm tập kết gia cầm và những nơi có nguy cơ cao, phát hiện sớm ổ dịch, báo cáo, xử lý kịp thời ngay từ khi dịch mới phát sinh, không để lây lan; chủ động bố trí đủ vật tư, vắc xin, kinh phí phục vụ việc phòng, chống dịch tại địa phương...
Đầu tháng 4 vừa qua, trên địa bàn TP Móng Cái đã xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm ( cúm A/H5N1) tại một trang trại hộ gia đình ở thôn 5, xã Quảng Nghĩa. Tại đây, từ ngày 8/4, gia đình thấy hiện tượng gà, ngan chết rải rác, đã điều trị bằng thuốc nhưng không khỏi. Do số lượng gà, ngan chết tăng dần nên gia đình đã chủ động gửi mẫu đi xét nghiệm, kết quả có 1 mẫu dương tính với cúm gia cầm tuyp A/H5N1.
Gia đình này có tổng đàn gia cầm khoảng 3.700 con. Số lượng bị chết và gia đình chủ động tiêu hủy trước khi có kết quả xét nghiệm là hơn 1.800 con. Số còn lại cũng có biểu hiện mắc bệnh đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn cùng chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ theo quy định.
Từ vụ việc trên cho thấy, nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh là rất cao, nhất là ở các địa bàn biên giới, nơi có các cửa khẩu, lối mở, lối mòn, chợ biên giới với hoạt động buôn bán, nhập lậu gia cầm, các sản phẩm gia cầm diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó số lượng gia cầm vận chuyển từ các tỉnh khác đến tiêu thụ tại Quảng Ninh cũng rất lớn. Cộng với thời điểm này thời tiết nắng nóng kéo dài. Đây cũng là những nguyên nhân, nguy cơ cao có thể dẫn đến phát sinh, bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, dịch cúm gia cầm khi bùng phát và lan rộng không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi, các hộ gia đình nuôi thả gia cầm, mà còn đe dọa, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Đó là chưa kể nhà nước phải bỏ ra nguồn kinh phí lớn để phục vụ công tác phòng chống, dập dịch.
Vì vậy, việc phòng chống dịch cúm gia cầm cần được các ngành chức năng, địa phương chủ động, tăng cường và cảnh giác cao độ. Không để dịch xảy ra rồi mới phòng chống, như vậy hiệu quả sẽ không cao, tiêu tốn công sức, tiền của của nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức tự phòng tránh của người chăn nuôi, người tiêu dùng để chủ động có biện pháp phòng tránh. Như vậy, mới đảm bảo cho sản xuất phát triển bền vững, mang lại hiệu quả cao...
Thanh Tùng