Khoảng 13 giờ ngày 21-4, một nhóm học sinh lớp 8 của Trường THCS Hiệp Hoà rủ nhau đi tắm ở một đầm nước thuộc thôn 9 của xã Sông Khoai (TX Quảng Yên), trong đó 2 học sinh không may bị đuối nước đã tử vong. Chiều cùng ngày, tại khu vực bờ biển thuộc phường Hồng Hà (TP Hạ Long), một học sinh lớp 6 của Trường THCS Hà Trung, khi đi tắm biển với nhóm bạn cũng đã bị đuối nước dẫn đến tử vong...
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ đuối nước dẫn đến những cái chết thương tâm của nhiều trẻ em, học sinh xảy ra ở không ít địa phương trong cả nước từ khi bắt đầu bước vào mùa hè đến nay. Việc liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước trong thời gian gần đây, khi mùa hè mới chỉ bắt đầu và học sinh cũng chưa bước vào kỳ nghỉ hè là hồi chuông cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em. Điều này đặt ra trách nhiệm cho nhà trường, phụ huynh học sinh và chính quyền cơ sở ở các địa phương cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, tuyên truyền, giáo dục, cảnh báo về sự nguy hiểm, những nguy cơ dẫn đến đuối nước ở những khu vực sông suối, hồ đầm, bãi biển mà các học sinh thường lui tới, để các em có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình. Đặc biệt ở các khu vực nguy hiểm, những bãi tắm tự phát cần phải có biển cảnh báo và có người tuần tra thường xuyên qua lại...
Thực tế cho thấy, năm nào cũng vậy, cứ khi mùa hè đến là tình trạng đuối nước đối với trẻ em, học sinh lại trở thành vấn đề “nóng” trong dư luận xã hội. Để trang bị kỹ năng phòng tránh cho học sinh, từ mấy năm trước ngành giáo dục đã có chủ trương, đề án dạy bơi cho học sinh trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, do những khó khăn, bất cập về nhân lực (giáo viên) và cơ sở vật chất (bể bơi) nên dường như mục tiêu đặt ra đã không đạt được như mong muốn. Bởi vậy, tỷ lệ học sinh biết bơi trong các nhà trường là khá thấp...
Chỉ còn khoảng một tháng nữa là học sinh các trường sẽ bước vào kỳ nghỉ hè dài ngày. Các trường khi đó sẽ bàn giao học sinh về cho địa phương quản lý. Lúc đó vai trò của chính quyền địa phương, các tổ chức Đoàn, Đội sẽ rất quan trọng trong việc tạo ra các sân chơi bổ ích, thú vị, an toàn cho các em, để trẻ em tránh xa những nguy cơ có thể xâm hại, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này các em rất cần được trang bị, bổ túc thêm các kỹ năng sống (vốn lâu nay chưa được gia đình, nhà trường quan tâm), để có những kiến thức, kinh nghiệm tự phòng tránh, bảo vệ mình khi cần thiết. Vai trò, trách nhiệm của các gia đình cũng cần phải được tăng cường, nâng lên để giám sát, hướng dẫn con em mình có những hoạt động, hành vi đúng chuẩn, tránh xa những tiêu cực, cám dỗ ngoài xã hội...
Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vì vậy, hãy chung tay, chung sức cùng vào cuộc bằng những việc làm, hành động thiết thực, hiệu quả nhất; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Chỉ có như vậy, những công dân tương lai của đất nước mới được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất và có điều kiện để phát triển toàn diện...
Thanh Tùng